Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018.
Tạo đột phá cho y tế địa phương
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2018, trên cả nước đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Triển khai về lĩnh vực này, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương trích ngân sách đối ứng để các bệnh viện có nguồn đầu tư trang thiết bị, bố trí nhân lực đi đào tạo, việc chuyển giao các kỹ thuật điều trị.
Cụ thể, 10 chuyên khoa đã được chuyển giao xuống bệnh viện tuyến dưới là: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc giúp tuyến dưới được nâng cao tay nghề.
Bệnh viện vệ tinh không chỉ dừng lại ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như: Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La), Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khường (Lào Cai); Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường (Lai Châu)… Bệnh viện vệ tinh không chỉ là những bệnh viện công lập mà còn ở các bệnh viện ngoài công lập; tại TP.HCM xuất hiện các Phòng khám bệnh viện vệ tinh đã thu hút được đông bệnh nhân đến khám và điều trị, giải quyết được 80% nhu cầu nguyện vọng của tuyến dưới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị
Những kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Hiện nay, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã tiến hành phẫu thuật ghép tạng thành công. Bệnh viện tuyến huyện cũng đã mổ được nội soi, nuôi dưỡng và cứu sống được trẻ sơ sinh chỉ 500gram...
"Các y bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia ở tuyến trên "cầm tay chỉ việc", trình độ tay nghề được nâng lên rõ rệt. Không chỉ có thế, thông qua hệ thống telemedicine, nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỷ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, Đề án bệnh viện vệ tinh có ý nghĩa nhân văn rất lớn, bệnh viện tuyến dưới được nâng cao trình độ thì các bệnh viện tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học...
Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh.
Đồng thời, giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế.
Chúc mừng và đánh giá cao những kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh, Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K Trung ương... cần xây dựng các trung tâm đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.
Sẽ luân phiên bác sĩ tuyến trên về y tế xã
Kiến nghị kéo dài đề án đến năm 2025, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, nhiều dự án mới trong đề án năm 2013 – 2018 vẫn đang được thực hiện, một số bệnh viện đang xây dựng mới như Bệnh viện Phổi Trung ương hoàn toàn có thể là một bệnh viện hạt nhân tiêu biểu.
PGS Khuê khuyến nghị, để bệnh viện vệ tinh phát huy vai trò của mình cần được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ kỹ thuật chuyển giao. Bổ sung nhân lực tại các bệnh viện được hỗ trợ, đặc biệt là bác sĩ. Tăng cường chuyên giao các kỹ thuật và đào tạo tại chỗ, kết hợp chặt chẽ với giám sát sau đào tạo để đạt hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
Nhiều kỹ thuật chấn thương chỉnh hình khó đã được Bệnh viện Việt Đức chuyển giao thành công cho tuyến dưới
Tại hội nghị Bộ trưởng Tiến đánh giá, cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã nhưng do trình độ nhân lực chưa cao, dịch vụ hạn chế, phần lớn trạm y tế chưa quản lý được bệnh mạn tính nên người dân còn chưa tin tưởng trạm y tế xã. Thời gian tới ngành y sẽ thực hiện việc luân phiên bác sĩ trạm y tế xã lên làm việc ở bệnh viện huyện để nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời đưa bác sĩ ở tuyến trên (trung ương, tỉnh, huyện) về “cắm chốt” tại trạm nâng cao.
Để thực hiện việc giảm tải cho tuyến y tế trung ương, các cơ sở này nên tập trung thực hiện kỹ thuật cao, còn các bệnh thông thường nên khám ở tuyến dưới tránh tình trạng quá tải có bệnh viện khám 5.000-8.000 bệnh nhân/ngày như hiện nay, bệnh nhân xếp hàng chờ từ 4h sáng; trong khi tuyến dưới lại thưa thớt.
Ngoài 26 trạm y tế xã điểm đạt chuẩn về chất lượng khám chữa bệnh, đến năm 2019 mỗi tỉnh sẽ triển khai thí điểm tại ít nhất 15% số trạm y tế trên địa bàn và năm 2023 tất cả các trạm y tế trong cả nước đều đạt chuẩn về hạ tầng và nhân lực. Trong tương lai gần y tế cơ sở sẽ sàng lọc được bệnh ung thư, sàng lọc trước sinh. Người dân được sàng lọc bệnh sớm và lập hồ sơ sức khỏe cá nhân để hạn chế tình trạng khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Bên cạnh việc quan tâm nâng cao trình độ tay nghề, sắp xếp lại tổ chức, quyết liệt cải cách hành chính, hẹn giờ khám cho bệnh nhân đỡ vất vả..., Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các bệnh viện cần quan tâm đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện và vấn đề kháng kháng sinh đang rất nóng hổi.