Báo Công lý đã có bài viết phản ánh việc Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương, PGĐ Trung tâm Ung bướu Bệnh viện 19-8 khai man hồ sơ, lọt qua khâu thẩm định nghiêm ngặt để vào ngành công an. Vậy ai đã tạo điều kiện để bà Phương có thể vượt qua dễ dàng?
Theo hồ sơ Báo Công lý có được, trong công tác thẩm tra lý lịch của Thiếu tá Phương, tại bản tự khai cá nhân, bà Phương khai báo không đúng với quá trình công tác đóng bảo hiểm.
Cụ thể, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ ghi nhận việc bà Phương đóng 6 năm 10 tháng tại bảo hiểm tỉnh khi bà công tác ở Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh (BVĐD &PHCN) thuộc Sở Y tế Phú Thọ. Đáng nói, điều này hoàn toàn không thể hiện trong lý lịch bà Phương khai trước đó nhưng khi đứng vào hàng ngũ ngành Công an, bà Phương lại sử dụng lại số năm bảo hiểm này để thăng quân hàm.
Ngay sau khi thiếu tá Phương qua được khâu thẩm định cán bộ, ngày 23/5/2009, đại diện cán bộ thẩm định đã hoàn thành quy trình thẩm định lý lịch của bà Phương. Để hoàn tất quá trình tuyển dụng, ngay lập tức 25/5/2009, Ban lãnh đạo Bệnh viện 19-8 đã liên tiếp có hai Công văn số 628/CV và 691/Cv về việc tuyển dụng cán bộ 2009 gửi lãnh đạo Cục Hậu cần - Bộ Công an (BCA). Với nội dung ý kiến đề nghị tuyển: “Bệnh viện 19/8 đề nghị tuyển chị Nguyễn Thị Minh Phương, Thạc sĩ y học ngành Nội khoa vào làm việc tại khoa Ung bướu theo chỉ tiêu bác sĩ theo tiêu chuẩn bộ duyệt năm 2008”.
Bệnh viện 19-8 Bộ Công an
Sau quá trình thẩm định, Văn phòng Tổng cục Hậu cần ngày 11/6/2009 có báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ tuyển dụng cán bộ với bà Phương sinh ngày 13/7/1977 quê quán Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ; nơi thường trú Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ; thạc sỹ y học chuyên ngành nội khoa; đề nghị tuyển vào bệnh viện 19-8; theo chỉ tiêu bác sĩ bộ duyệt năm 2008.
Đáng chú ý, phần nhận xét, xác nhận nơi cơ quan Thiếu tá Phương trước khi vào ngành công an, Văn phòng Tổng cục Hậu cần nêu rõ: “Phòng khám Đa khoa Vạn Xuân - Sở Y tế tỉnh Phú Thọ xác nhận bà Nguyễn Thị Minh Phương từ năm 2002 đến nay làm việc tại phòng khám đa khoa Vạn Xuân hoàn thành nhiệm vụ được giao, không sai sót chuyên môn, có ý thức đạo đức tốt, thực hiện nghiêm chỉnh nội quy của phòng khám”.
Tại đây điểm quyết định để bà Phương vào ngành là nhận xét, ý kiến đề xuất của H12 với Hội đồng xét tuyển chọn cán bộ của Tổng cục để có biên bản Hội đồng xét tuyển cán bộ của Tổng cục Hậu cần ngày 5/8/2009.
Quy trình tuyển chọn với bà Phương được kê khai lý lịch từ 9/5/2009 và đến ngày 23/5/2009 hoàn tất khâu thẩm định, ngay lập từ ngày 25/5/2009 lãnh đạo bệnh viện 19-8 báo cáo Tổng cục Hậu cần. Sau 15 ngày Văn phòng Tổng cục Hậu cần có báo cáo thẩm định hồ sơ xét tuyển thành lập Hội đồng xét tuyển với bà Nguyễn Thị Minh Phương.
Nhìn vào công tác thẩm định lý lịch của bà Nguyễn Thị Minh Phương, dường như các khâu rất quan trọng là kiểm định tính chính xác về lịch sử công tác, sự “biến động” về công việc, tính chính xác trong lời khai lý lịch cá nhân của bà Phương đã bị bỏ qua.
Đáng nói, sau khi hoàn tất bổ nhiệm, Bệnh viện 19-8 lại dành cho bà Phương sự ưu ái đến mức hủy bỏ quy hoạch, “đợi” quy hoạch bổ sung, lấy lý do Bộ chỉ đạo để bà Phương rộng đường thăng tiến. Cụ thể, thời điểm đó thực tế có rất nhiều cán bộ đủ điều kiện nằm trong quy hoạch nhưng không hiểu căn cứ vào đâu Bệnh viện 19-8 lại chờ bà Phương đủ thời hạn cấp bậc, thăng hàm để quy hoạch, rồi xét bổ nhiệm.
Theo đó ,quy định ngành Công an để được thăng cấp bậc hàm đối với sĩ quan nghiệp vụ trong lực lượng Công an: Từ Thiếu úy lên Trung úy 2 năm; từ Trung úy lên Thượng úy; Đại úy là 3 năm; Từ Đại úy lên Thiếu tá; Trung Tá, Thượng tá, Đại tá là 4 năm.
Đối với bà Phương, năm 2009 sau khi tạm tuyển vào Bệnh viện 19-8, năm 2010 giữ chức vụ Thiếu úy; 2011 là Trung úy hưởng mức lương 4.60; đến năm 2013, bà Phương đã có đơn cá nhân đề nghị xem xét quá trình đóng bảo hiểm 7 năm trước khi vào Công an. Điều này được thể hiện rõ tại biểu thống kê cán bộ, chiến sĩ được thăng quân hàm, nâng lương ngoài quy định của Bộ năm 2013 của Bệnh viện 19-8.
Như vậy bà Phương lên Thượng úy trước 1 năm theo quy định của ngành khi vận dụng bảo hiểm đóng tại BVĐD &PHCN tỉnh Phú Thọ mà trước đó bà Phương đã không cho vào lý lịch xét hồ sơ vào ngành Công an. Đồng nghĩa từ năm 2013, Ban lãnh đạo Bệnh viện 19-8 đã biết đến nguồn đóng bảo hiểm của thiếu tá Phương tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng tỉnh Phú Thọ nhưng vì lý do nào đó không yêu cầu tra lại?
Không chỉ vậy sau khi được thăng quân hàm đến năm 2016 bà Phương lên Đại úy; nhưng đến năm 2019, Ban giám đốc Bệnh viện lại tiếp tục vận dụng công trình nghiên cứu sinh vừa được bà Phương bảo vệ còn chưa ráo mực để thăng hàm lên Thiếu tá trước 1 năm (trong khi theo quy định sau khi bảo vệ công trình nghiên cứu sinh phải 1 năm sau mới được chính thức được nhận bằng). Như vậy tính thời điểm hiện tại nếu xét theo quy trình bà Phương đang dừng lại năm thứ 3 của Đại úy.
Để xác minh, làm rõ sự việc, ngày 13/7/2020, phóng viên đã gọi điện, đặt lịch làm việc với Giám đốc Bệnh viện 19-8 và Phòng Chính trị nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được hồi âm.