Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh viện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân gout chỉ mới bước qua 30 tuổi.
Trường hợp của bệnh nhân nam N.H.M. (34 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp TP.HCM), cách đây 1 năm, người bệnh bắt đầu có những biểu hiện sưng đau và đỏ nóng khớp ngón chân trái. Khi đi khám, anh được chẩn đoán mắc gout.
Anh M. cho biết từ lâu nội tạng lợn là món khoái khẩu của anh mỗi lần tụ tập chè chén với bạn bè. Với quan niệm “ăn gì bổ nấy”, có tuần người bệnh ăn các món chế biến từ nội tạng đến 5, 6 lần. Bản thân anh M. cũng đang mắc bệnh béo phì và tăng huyết áp.
Đa số người mắc gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh. Ảnh: N.Phương
Như trường hợp của anh C.T.T. (39 tuổi, quê An Giang) đã từng được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh gout. Thế nhưng với suy nghĩ gout là “bệnh nhà giàu”, còn bản thân "gầy như que củi" thì không thể mắc bệnh này. Anh T. cũng cho rằng bản thân mình chỉ đau nhức khớp thông thường nên không điều trị thường xuyên chỉ khi nào sưng đau khớp mới uống thuốc.
Nghe lời giới thiệu thuốc trị khớp “bí truyền” cực hiệu quả từ Campuchia nên anh mua về uống thường xuyên mỗi ngày. Cách đây 1 tuần, anh T. đến bệnh viện khám với các triệu chứng sưng đau khớp và nóng đỏ cổ chân, ngón cái chân phải và khớp gối 2 bên, không đi lại được.
Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết bệnh gout của anh đã tiến triển giai đoạn nặng do nhiều khớp đã biến dạng kèm theo biến chứng của việc lạm dụng thuốc có chứa corticoids như kiểu hình cushing, bầm máu tay chân, suy thận, loãng xương với chỉ số loãng xương T-score là -4/-3.2.
Theo BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng đơn vị Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người bệnh gout xem nhẹ bệnh, không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ hoặc tự ý dùng thuốc gây hậu quả nghiêm trọng, khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
BS Ngọc nhấn mạnh, bệnh lý viêm khớp gout là một bệnh mãn tính, vì vậy người bệnh cần phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh sẽ dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Khi những hạt tophi bị vỡ, nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao và gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.
Bên cạnh đó, người bệnh gout cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục điều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản… Có như vậy, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh mới được đảm bảo và cải thiện.