Bé trai suýt mất mạng vì học "ảo thuật treo cổ" trên mạng

Chí Tâm| 29/11/2019 22:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi làm theo trò chơi dạy cách thắt cổ nhưng vẫn thở được trên YouTube, bé trai 8 tuổi hôn mê nguy kịch.

Ngày 29/11, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Đ.T.K. (8 tuổi, ngụ Nhà Bè, TP.HCM) trong tình trạng hôn mê, môi tím, tiêu không tự chủ. 

Trước đó, gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ. Lúc được phát hiện, bé đang thắt cổ, 1 chân bé cách mặt đất 20cm, người tím ngắt, ngất lịm. Gia đình tức tốc đưa bé đến phòng khám gần nhà để sơ cứu, thở oxy và sau đó đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Tại đây, các bác sĩ đã cho bệnh nhi thở máy, xử trí cấp cứu. Qua 7 giờ thở máy, bệnh nhi tỉnh lại và được cho cai thở máy. Hiện tại, sau 1 tuần, sức khỏe bé đã ổn định.

Bé trai suýt mất mạng vì học

Ảnh minh họa

Khi được hỏi lý do hành động như vậy, bé trai cho biết, do đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết. Thấy vậy, bé đã làm theo.

Mẹ bệnh nhi cũng chia sẻ, bé K. rất thích xem điện thoại nên bố mẹ thường cho bé cầm điện thoại chơi nhiều giờ mỗi ngày. Lúc K. xem điện thoại thường ngoan ngoãn ngồi yên, không quấy rầy người lớn làm việc. Tuy nhiên, việc bé xem các nội dung gì, kênh nào, có nội dung bạo lực hay không, gia đình thừa nhận không kiểm soát được.

Bác sĩ Huỳnh Thị Diễm Kiều - Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, bệnh viện cũng từng tiếp nhận một cháu bé bắt chước hành động của siêu nhân nhện mà cháu đã xem. Cháu đã đập tay thật mạnh vào kính làm tay bị đứt mạch máu.

Theo các bác sĩ, cách mà người lớn vô tư cho trẻ sử dụng điện thoại sẽ khiến trẻ trở nên hung hãn khi bị lấy lại và dần vô cảm với thế giới xung quanh. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể có hành vi làm theo các hành động bạo lực, gây tổn thương đến cơ thể trẻ.

Do đó, các bậc phụ huynh cần cho trẻ hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình một mình ít hơn 2 giờ/ngày. Các bậc phụ huynh nên sắp xếp để tương tác đồng thời kiểm soát nội dung trẻ đang theo dõi cho phù hợp.

Tùy theo sở thích của trẻ và mục tiêu phát triển mà các bậc phụ huynh mong đợi ở trẻ, các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn, khuyến khích trẻ theo dõi những chương trình phù hợp với trẻ. Phụ huynh có thể cùng xem và cùng trẻ thảo luận những vấn đề được trình chiếu trong lúc theo dõi chương trình.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bé trai suýt mất mạng vì học "ảo thuật treo cổ" trên mạng