Bé trai 10 tuổi (ở Hà Nội) đang trèo lên ghế thì vô tình ngã vào bình vôi, bị chiếc que têm trầu nhọn đâm vào lưng đến gần tim.
Bệnh nhi tên V.Q.A. (10 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất cấp cứu trong tình trạng tím tái, khó thở.
Theo lời kể của gia đình, trước đó, khi đang trèo lên ghế, vô tình bé Q.A. ngã vào bình vôi ăn trầu để cạnh đó nên bị chiếc que têm trầu nhọn đâm vào lưng đến gần tim.
Gia đình ngay lập tực rút que ra khỏi vết thương. Lúc này, máu chảy ra từ vết thương ồ ạt, trẻ dần tím tái, lịm đi. Gia đình lập tức đưa trẻ đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất. Do tình trạng nặng, bệnh nhi tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Ngày 1/4, ThS.BS Đỗ Đức Thắng - Trưởng khoa Tim mạch, lồng ngực cho biết, khi tiếp nhận, tình trạng trẻ rất nặng, vết thương sâu, gần tim, mất máu nhiều, suy hô hấp, tràn máu màng phổi, có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Ê-kíp cấp cứu đã nhanh chóng cầm máu, phẫu thuật để cứu bệnh nhi. Số lượng máu đã mất cũng được bù ngay trong khi mổ. Sau phẫu thuật một ngày, trẻ đã tỉnh lại.
Theo BS Thắng, việc tự ý rút vật nhọn ra khỏi cơ thể có thể gây chảy máu ồ ạt, khiến tình trạng bệnh nhân nặng hơn. Đây cũng là sai lầm nhiều người dân mắc phải khi sơ cứu cho bệnh nhân gặp tai nạn.
Vì thế, khi có vật nhọn đâm sâu vào cơ thể, tốt nhất không nên rút ra khỏi cơ thể người bệnh, chỉ nên cố định hoặc làm ngắn vật gây thương tích để dễ dàng vận chuyển tới bệnh viện.
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), ghi nhận mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trẻ có thể gặp tai nạn tại trường học, khu vui chơi, ở nhà.