Bé trai 3 tuổi suýt chết sau tiêm kháng sinh

Thảo Nguyên| 25/06/2022 18:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau tiêm kháng sinh tại bệnh viện, bé trai 3 tuổi tím tái, co giật toàn thân và trào bọt hồng.

Trước khi vào viện 3 ngày, bé T.B. (3 tuổi, ở Sơn La) sốt cao kèm ho, được bác sĩ tại cơ sở y tế địa phương tiêm kháng sinh chứa thành phần ampicilin và sulbactam. Sau tiêm mũi thứ 3, bệnh nhi tím tái, co giật toàn thân, trào bọt hồng. Bác sĩ chẩn đoán phù phổi cấp, suy tuần hoàn, sốc phản vệ độ ba sau tiêm kháng sinh.

Tình huống nguy cấp, bệnh viện phải hội chẩn với Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để đưa ra phương án điều trị phù hợp.

nh.jpeg
Bệnh nhi được vận chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm để tiếp tục điều trị

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được hồi sức, thở máy song tình trạng không cải thiện, SpO2 chỉ duy trì từ 65%-70%. Nếu kéo dài và không áp dụng phương pháp điều trị cao hơn, bệnh nhi chắc chắn sẽ tử vong.

Trước diễn biến nghiêm trọng của ca bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cử 1 ê-kíp ECMO gồm các bác sĩ, điều dưỡng lên Sơn La hỗ trợ cấp cứu, đặt ECMO, ổn định bệnh nhi và vận chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm để tiếp tục điều trị.

Với trường hợp của bé T.B., việc di chuyển bé trong tình trạng suy hô hấp nặng, chỉ số oxy máu thấp là rất nguy hiểm, nguy cơ trẻ tử vong trên đường đi rất cao, bắt buộc phải di chuyển cả ê-kíp (con người, trang thiết bị, máy móc..) đến bệnh viện địa phương (nơi chưa từng áp dụng phương pháp ECMO) để thực hiện.

ThS.BS Hoàng Thanh Sơn - Khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp đặt ECMO cho bệnh nhi cho biết, trước khi tiến hành một ca ECMO lưu động, nhân viên y tế cần thực hiện các bước quan trọng như hội chuẩn trực tuyến tình trạng bệnh nhân, tình trạng cơ sở vật chất tại chỗ, nơi bệnh nhân đang điều trị.

Đồng thời, họ lên phương án vận chuyển kỹ càng, tuân thủ nghiêm ngặt, sử dụng xe tiêu chuẩn cao, đầy đủ thiết bị, nguồn điện cho máy ECMO phải đảm bảo tuyệt đối không xảy ra trục trặc gì trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. Đội ngũ y bác sĩ phải chuyên nghiệp, tập huấn nhiều lần, triển khai nhiều phương án. Khi đến nơi, họ phải có sự kết hợp với cơ sở y tế tại chỗ thật tốt.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ trước chuyến đi, cùng sự phối hợp giữa các chuyên khoa và 2 bệnh viện, quá trình phẫu thuật đặt ECMO cho bệnh nhi diễn ra tương đối thuận lợi. Trẻ đáp ứng tốt sau khi được sử dụng ECMO.

Sau 5 ngày được điều trị, bệnh nhi đã được rút ECMO và cai oxy. Hiện tại, tình trạng của trẻ đã cải thiện rõ rệt khi tự thở, tỉnh táo và đã có thể ăn được cháo.

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, bị ong đốt hoặc ăn một loại thức phẩm lạ. Các hình thức đưa thuốc vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt... đều có thể gây sốc phản vệ. Các loại thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, là nguyên nhân chính gây sốc phản vệ.

Tình trạng này cần được xử trí nhanh, kịp thời, đúng cách vì bệnh nhân dễ tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp. Mọi người đều có khả năng phản vệ, nhất là người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên, mắc các bệnh lý viêm da, viêm mũi dị ứng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh thận trọng khi sử dụng thuốc, đặc biệt người bị dị ứng thuốc và các dị nguyên cần khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi có biểu hiện dị ứng, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bé trai 3 tuổi suýt chết sau tiêm kháng sinh