Bé gái 9 tuổi quê Tiền Giang nôn, sốt nhẹ, đi khám uống thuốc không bớt, hôm sau đột ngột ngất lịm, tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc".
Bé B.H.P.N. (9 tuổi, ngụ Tiền Giang) chỉ nôn và sốt nhẹ nhưng mệt mỏi, mẹ bé cho đi khám phòng khám tư không đỡ. Ngày hôm sau, bé nôn ói liên tục, đột ngột trợn mắt ngất lịm. Khi cấp cứu vào viện, bé đã trụy tim mạch.
Bệnh nhi được nhanh chóng cấp cứu ngưng tim ngưng thở, ổn định tạm huyết áp bằng nhiều loại thuốc vận mạch liều cao, siêu âm và xét nghiệm cho thấy men tim của bé rất cao.
Các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới xác định bé bị viêm cơ tim, sốc tim, nhanh chóng chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tìm cơ hội ECMO cứu sống trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các êkíp bác sĩ đã thay nhau túc trực, tăng cường tua trực, áp dụng kỹ thuật ECMO (oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể), hội chẩn tham vấn liên tục qua các ứng dụng trực tuyến, theo dõi sát từng biến chuyển ca bệnh phức tạp này.
Trong quá trình vận hành ECMO, bé có biểu hiện rối loạn nhịp, ứ máu buồng tim, bé được phẫu thuật xé vách buồng tim cấp cứu tại giường, truyền máu và chế phẩm máu...
BS Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức tích cực cho biết, sau gần 1 tuần, trái tim bé dần hồi phục, bé tỉnh dần, cải thiện mọi thông số máy móc và chức năng cơ quan tim, thận, gan, phổi,...
Ngày 12/4, bệnh nhân vừa được cai máy ECMO ổn định, chính thức trở thành bệnh nhi thứ 17 trên 24 ca nguy kịch vì tim phổi, được triển khai ECMO đúng chỉ định để cấp cứu kịp thời.
Viêm cơ tim là tình trạng viêm thành cơ tim, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim bị gây nên do các nhiễm trùng, nhiễm độc hay các bệnh lý tại các mô liên kết. Viêm cơ tim ở trẻ thường đi kèm với tình trạng viêm màng trong tim hay viêm màng ngoài tim.
Bệnh viêm cơ tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi bao gồm cả trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong lứa tuổi từ 2 - 10 tuổi. Viêm cơ tim là bệnh lý nguy hiểm đặc biệt là viêm cơ tim cấp. Trên lâm sàng, có thể bệnh nhi chỉ bị viêm cơ tim thoáng qua, sau được điều trị phục hồi sẽ không để lại di chứng. Nhưng ngược lại, nhiều trường hợp nặng, nguy cơ để lại biến chứng suy tim hoặc rối loạn nhịp tim thậm chí có nguy cơ tử vong cao.
Các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên thường khởi phát từ những triệu chứng của hệ hô hấp như: Đau tức ngực, khó thở... sau đó đến rối loạn tiêu hóa rồi khi bệnh tiến triển nặng mới dần thấy các triệu chứng tại tim và vùng ngực. Do vậy, ở giai đoạn này, các mẹ rất dễ nhầm với sốt cảm cúm thông thường, tự xử lý thuốc mà ít khi cho con đi khám, đến khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu ở vùng tim mới đưa trẻ đi khám, dẫn tới việc điều trị chậm trễ.