Một bé gái bị teo đường mật bẩm sinh vừa được ghép gan thành công tại TP.HCM. Cha ruột bé đã chia sẻ một phần lá gan để cứu sống con gái.
Ngày 20/12, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã thông tin về ca ghép gan lần thứ 15.
Đây là ca ghép gan tự chủ thành công đầu tiên của bệnh viện với ê-kíp toàn bộ là y bác sĩ của Việt Nam cùng sự hỗ trợ phối hợp lấy gan của Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM.
Bé gái H.G.H. (7 tuổi, ngụ Nhà Bè) bị teo đường mật đã phẫu thuật lúc 2 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau mổ, em nhập viện nhiều lần vì nhiễm trùng đường mật, gan xơ, lách rất to gây cường lách.
Năm 2020, bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa, ói ra máu và tiêu phân đen. Bệnh nhi suy dinh dưỡng do chức năng gan xấu, giảm tiểu cầu máu nặng, thường xuyên chảy máu mũi. Ghép gan là giải pháp cuối cùng để cứu bệnh nhi.
BS Lê Thị Minh Hồng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, dù tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp nhưng với sự nỗ lực hết mình để cứu bé, ngày 1/12 các nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp cùng với Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM đã tiến hành phẫu thuật ghép gan cho bé, từ phần gan hiến tặng của người cha ruột.
Công tác chuẩn bị, phối hợp nội viện và liên viện được thực hiện tốt để hoàn thành tốt cuộc phẫu thuật lấy và ghép gan cho bệnh nhi. Mặc dù có nhiều khó khăn trong phẫu thuật, do tạng ở bệnh nhi dính quá nhiều, nhưng diễn tiến trong và sau mổ khá thuận lợi và cho kết quả thành công ban đầu.
Người cho gan, cha bé đã xuất viện sau mổ 1 tuần và người nhận gan ăn uống tốt, chơi vui vẻ cùng mẹ và các cô.
Gan ghép đã được chấp nhận và hoạt động như một gan bình thường giúp bệnh nhi thay đổi từng ngày và dự kiến xuất viện cuối tháng 12.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, phẫu thuật ghép gan được xem là phẫu thuật khó bậc nhất nhưng là phương pháp điều trị hữu hiệu cho bệnh gan giai đoạn cuối.
Bé gái này là ca ghép gan thành công đầu tiên của bệnh viện với ê-kíp toàn đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam. Từ năm 2005-2020, 14 ca ghép luôn có đoàn giáo sư đến từ Bỉ trực tiếp hỗ trợ.