Bé gái 4 tuổi bị rắn cạp nia cắn tử vong khi đang ngủ

Chí Tâm| 23/05/2022 21:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ, bé gái 4 tuổi ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) tử vong sau 7 ngày chữa trị tại bệnh viện.

Trước đó vào khoảng sáng 16/5, trong lúc cháu Sô Thị Như N., dân tộc Chăm (SN 2018, trú ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đang ngủ thì bất ngờ lên cơn co giật, nôn mửa.

Mẹ kiểm tra thì phát hiện con rắn cạp nia trên người cháu bé và đưa ngay bé đi cấp cứu lên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở.

ran.jpeg
Rắn cạp nia là loài cực độc gây tỉ lệ tử vong rất cao. (Ảnh minh họa)

BS Phạm Văn Minh - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Phú Yên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tiến hành cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, cơ sở y tế này không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên phải liên hệ một bệnh viện ở TP.HCM vẫn không có.

Do diễn biến bệnh trạng thêm nặng nên sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện, gia đình đã đưa cháu N. về nhà trong đêm, sau đó 1 ngày thì nạn nhân tử vong.

Rắn cạp nia (tên khoa học Bungarus candidus) là loài cực độc, tỷ lệ tử vong do rắn cắn có thể lên đến 75% nếu không được cấp cứu kịp. Nọc rắn cạp nia có chứa các độc tố hậu synape và đặc biệt độc tố tiền synape, gây liệt mềm kéo dài. Nọc rắn cạp nia tại Việt Nam có thể chứa độc tố kiểu natriuretic peptide tăng thải natri qua thận dẫn tới hạ natri máu.

Hầu hết các trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ bị liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không kịp thời đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu tích cực bằng các biện pháp hồi sức, thở máy và tiêm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.

BS Minh khuyến cáo thời điểm chuyển mùa các loại rắn (kể cả loài có độc) thường hay bò vào nhà. Các hộ dân, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi, cần kiểm tra kỹ nhà cửa, bít các lỗ hổng để ngăn rắn, rết.

(2) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bé gái 4 tuổi bị rắn cạp nia cắn tử vong khi đang ngủ