Phiên tòa hình sự sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu Kiên”) cùng 8 đồng phạm dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 16 - 29/4/2014 tại trụ sở TAND TP Hà Nội.
Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu Kiên”), cùng 8 đồng phạm bị truy tố về 4 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Trốn thuế” và “Kinh doanh trái phép”. Trong vụ án này, Nguyễn Đức Kiên là người “đạo diễn” các phi vụ làm ăn trái phép, tổng số tiền thiệt hại do 9 bị cáo gây ra là gần 1.700 tỷ đồng.
Từ một doanh nhân nổi tiếng…
Năm 1994, Nguyễn Đức Kiên khi đó mới 30 tuổi đã cùng các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Sau một thời gian ngắn, Nguyễn Đức Kiên đã là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập của Ngân hàng Á Châu (ACB) - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác như Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á, Techcombank.
Không dừng lại ở lĩnh vực ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên là người khởi xướng thành lập của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt.
Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc và đã từng là Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt. Trong lĩnh vực du lịch, Nguyễn Đức Kiên có vị trí quan trọng trong hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn (cùng với ông Phạm Trung Cang) và Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh…
Thời điểm này, Nguyễn Đức Kiên nằm trong tốp 25 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, còn gia đình cũng nằm trong tốp 15 những người giàu nhất Việt Nam.
Nguyễn Đức Kiên (năm 2011) khi đang là một doanh nhân thành đạt
… Đến bước vào vòng lao lý
Trong thời gian tháng 7 - 8/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ( CQĐT) nhận được nhiều đơn tố cáo với nội dung tố cáo Nguyễn Đức Kiên có hành vi kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, thao túng ngân hàng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Đồng thời, CQĐT cũng nhận được Kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước việt Nam (Chi nhánh TP Hà Nội) xác định: Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Chi nhánh Thăng Long và Chi nhánh Hà Nội) có một số sai phạm trong quản trị và hoạt động kinh doanh ngân hàng…Từ đó, CQĐT đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm.
CQĐT kết luận: Từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam do Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên để tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền trên 21 tỷ 490,4 triệu đồng.
Đối với hành vi trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với Ngân hàng ACB, thu được số tiền lãi 100 tỷ 46,8 triệu đồng. Lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, Nguyễn Đức Kiên với thủ đoạn ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B với Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) để chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp sang cho cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B số tiền 25 tỷ 11,7 triệu đồng.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) đang thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại Ngân hàng ACB. Tuy vậy, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là người đại diện theo pháp luật của Công ty ACBI, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc) và Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng) Công ty ACBI lập khống biên bản họp Hội đồng quản trị và Quyết định của Hội đồng quản trị thể hiện chủ trương của Hội đồng quản trị Công ty ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI đang sở hữu để tạo lòng tin cho Công ty TNHH một thành viên CP Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua cổ phần và chuyển giao số tiền 264 tỷ đồng nhưng không được sở hữu cổ phần đã mua. Như vậy, Nguyễn Đức Kiên đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của Công ty CP TNHH một thành viên Thép Hòa Phát với số tiền 264 tỷ đồng.
Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: Thực hiện chủ trương ngày 22/3/2010 của Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên về việc ủy thác cho cá nhân gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng, Lý Xuân Hải (Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) đã chỉ đạo và ủy quyền cho Kế toán trưởng thực hiện việc ủy thác số tiền 718 tỷ 908 triệu đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Nhà Bè và Viettinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Toàn bộ số tiền ủy thác đã bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt. Hành vi thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Viettinbank của Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên là làm trái quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 718 tỷ 908 triệu đồng.
Ngày 10/2/2014, VKSNDTC đã ban hành Cáo trạng số 10/VKSTC-V1 truy tố ra trước TAND TP Hà Nội để xét xử Nguyễn Đức Kiên về bốn tội danh như đã nói ở trên. Liên quan đến vụ án này, có 8 người nữa bị đưa vào vòng tố tụng gồm: Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm soạt tài sản”; Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo lãnh đạo TAND TP. Hà Nội đây là một vụ án hình sự lớn, phức tạp nên HĐXX sơ thẩm có 5 người. Thành phần gồm có hai Thẩm phán là ông Nguyễn Hữu Chính (Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội làm chủ tọa phiên tòa) và Thẩm phán Nguyễn Quốc Thành; Hội thẩm nhân dân có ba người là ông Nguyễn Thanh Hả, ông Bùi Đăng Hiếu, ông Đinh Hoài Nam. Đại diện VKSND TP. Hà Nội có ông Đào Thịnh Cường và bà bà Đỗ Thị Thu Yến (Kiểm sát viên). Về những người tham gia tố tụng vụ án: Có 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo; có 3 nguyên đơn dân sự gồm: Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát (trụ sở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), Ngân hàng Thương mại CP Á Châu (trụ sở 442 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP. Hồ Chí Minh), Chi cục Thuế quận Đống Đa; bị đơn dân sự có Công ty Đầu tư B&B (trụ sở số 63 Lương Sử C, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội); TAND TP. Hà Nội quyết định triệu tập 82 tổ chức, cá nhân đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. |
Mời các bạn chú ý đón đọc kỳ tiếp theo trên Congly.com.vn: "Bầu Kiên" với vòng xoáy nghiệt ngã của thương trường