Từ tờ mờ sáng, trên Quốc lộ 1A từ thị trấn Chi Lăng lên đến cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), từng đoàn xe container nối hàng dài tựa như đoàn tàu khổng lồ chạy sầm sập trong đêm. Những “con voi sắt” này ậm è mang trong “bụng” mình đa phần là hàng hóa phục vụ cho người dân ở khắp mọi miền. Và, không ít số hàng hóa đó là hàng lậu.
Ham hố “một vốn, bốn lời”
Anh Ma Văn Lợi (ở thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn), một lái xe tải chuyên chạy hàng tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, cho biết: “Hầu như ngày nào cũng vậy, lượng người đổ về cửa khẩu đông như đi hội. Phần lớn xe từ các tỉnh khác đổ về đây “bốc” hàng rồi mang đi khắp các tỉnh. Để kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên từng phương tiện xem có phải hàng lậu hay không là điều không thể. Hàng trăm, hàng ngàn xe ra vào, sức đâu mà kiểm tra được…!”.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý hàng lậu.
Cũng theo anh Lợi kể, cánh lái xe tải, xe “công” (container) chuyên chở hàng lậu cũng có muôn vàn mánh khóe để “qua mặt” lực lượng chức năng, từ kỹ thuật “ủ hàng”, “găm hàng”…, đến thay đổi biển số xe liên tục. Thông thường những xe vận chuyển hàng lậu từ biên giới về đều được lái xe trang bị vài chiếc biển số, kể cả biển xanh, biển 80B, và chúng được… thay liên tục.
Hơn nữa, các chủ hàng thường thuê một đội ngũ “hoa tiêu” “cắm chốt” hầu khắp các cung đường “nhạy cảm”, nếu phát hiện “chướng ngại vật”, “cớm” (cách dân buôn dùng để chỉ các lực lượng chức năng - PV), lập tức chúng dùng “bộ đàm” thông báo “a lô bà chị à…”, “a lô đại ca à…”, chỉ trong vài phút, hàng hóa được thay đổi hướng vận chuyển hoặc “lao rừng, cắm trại”, chờ “yên” mới tiếp tục hành trình. Nếu bị “quây” “rát” quá, lượng hàng này được xé lẻ để vận chuyển bằng các phương tiện cá nhân, “đánh võng” qua trạm kiểm soát. Thậm chí chúng cử người “nằm” tại cổng các cơ quan Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường…, nhất cử, nhất động của các cơ quan này chúng đều có “chim lợn” thông báo, anh em đi ra khỏi cổng bằng xe gì, hướng nào, mấy người, chúng đều rành rẽ hết.
“Hàng nóng” bị thu giữ ở chợ Tân Thanh
Các loại mặt hàng từ quần áo, vải vóc, đồ điện tử, bánh kẹo, thuốc lá, thực phẩm, thậm chí cả pháo nổ thường được trung chuyển chủ yếu về Lạng Sơn qua khu vực Hang Dơi. Cứ đến dịp gần Tết, hoạt động buôn lậu tại đây trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các chủ buôn lậu lấy hàng từ bên chợ Lũng Vài, Pò Chài (Trung Quốc). Chỉ cách chừng dăm cây số, mọi mặt hàng được chuyển từ các khu chợ này rồi tuồn vào thành phố Lạng Sơn, để rồi đưa đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các chủ hàng thường thuê cửu vạn là đồng bào dân tộc ở vùng giáp biên vận chuyển bằng đường bộ, hàng hóa được sắp xếp vào các thùng nhỏ để mang vác, hoặc được quấn xung quanh người, cứ thế họ “xé” rừng mà đi. Đến điểm tập kết, chúng vận chuyển tiếp bằng xe máy, taxi, khoác lên lưng trâu, ngựa thồ đi đổ về một điểm quy định từ trước chờ container từ dưới xuôi lên “bốc”.
Hàng Trung Quốc chiếm phần lớn lượng hàng hóa ở chợ Tân Thanh
Thực tế, vô cùng khó khăn để ngăn chặn các đối tượng vận chuyển kiểu này, bởi do địa hình hiểm trở, phức tạp, quá trình “tuồn” hàng lậu thường diễn ra vào ban đêm nên có triển khai vây bắt cũng gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, “cửu vạn” hầu hết là người dân tộc, thông thuộc đường rừng, vì cuộc sống khó khăn, nghe theo lời dụ dỗ của bọn “con buôn” đi vận chuyển hàng, mỗi chuyến được vài chục đến vài trăm ngàn, có bắt được họ cũng rất khó xử lý. Chỉ tịch thu hàng hóa, xử phạt hành chính, răn đe, giáo dục là chính, chuyện họ có tiếp tục tham gia vận chuyển hàng lậu nữa hay không phần nhiều do họ tự ý thức.
Chở thuốc lá lậu qua sông Kỳ Cùng
Theo một cán bộ Quản lý thị trường thành phố Lạng Sơn cho biết: Để đối phó với các đối tượng buôn lậu vô cùng khó khăn. Chúng không chỉ manh động, liều lĩnh mà thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Hơn nữa, lực lượng vận chuyển thuê cũng ngày càng đa dạng thành phần, các cung đường rừng hiểm trở, khó quay bắt, đón lõng. Anh em trong đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý gần như không có ngày nghỉ kể từ một tháng nay. Nhưng tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra hết sức phức tạp...
Thật giả lẫn lộn
Theo chị Tuyết, một chủ cửa hàng ở chợ Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết, năm nay các mặt hàng tiêu thụ mạnh vẫn là đồ chăn ga, gối đệm, quần áo và thuốc lá. Ví dụ một bao Hero ở bên chợ Pò Chài chỉ có giá 5-7 ngàn đồng, khi về Việt Nam được bán từ 12-15 ngàn. Chỉ cần một cái gùi đi rừng của người dân tộc cũng “chở” được 200-300 bao, lợi nhuận ước chừng cũng gần một triệu đồng. Quần áo mua từ “bên kia” có giá chỉ vài chục ngàn, nhưng đến khi về Việt Nam, nó được “lên đời” thành “hàng hiệu”…, có giá hàng vài trăm ngàn.
Một loại mặt hàng được bày bán la liệt ở cái chợ sôi động bậc nhất vùng biên viễn này là hàng điện tử. Rất khó để kiểm soát lượng hàng lưu thông trong khu “chợ đầu mối” này có rõ xuất xứ, nguồn gốc, giấy tờ hải quan đầy đủ hay không. Người mua thì cũng hết sức đa dạng, từ khách du lịch, người đi tham quan vãn cảnh mua về làm quà, các chủ đại lý từ Hà Nội lên “ăn hàng”… Thượng vàng, hạ cám ở đây đều đáp ứng đủ, từ cái xạc điện thoại, cục pin, đến những Iphone, 3G, 4S. Từ dây cắm, phích điện đến loa đài, âm- ly đều có cả. Mỗi chiếc Iphone cáu cạnh, bóng loáng ở đây chỉ có giá 2-2,5 triệu đồng, qua bàn tay khéo léo “chuốt” lại của thợ, nó được “đẩy” vào túi người tiêu dùng với giá hàng chục triệu.
Hầu như gần như tất cả các loại mặt hàng nhập lậu từ bên nước bạn về đều có lợi nhuận tăng gấp ba bốn lần, chính vì vậy nên các đối tượng bất kể ngày đêm, không từ thủ đoạn nào để buôn lậu.
Dân buôn lậu vận chuyển trên tuyến Tân Thanh-Tp.Lạng Sơn
Nhưng theo đánh giá của một số chủ hàng ở đây, mặt hàng “đáng sợ số một”, cần cấm nghiêm ngặt là thực phẩm “bẩn”, thức ăn ôi thiu. “Bởi thực tế đến người đi buôn cũng chả biết được những tim, gan, phèo, phổi, nội tạng động vật kia nó có nguồn gốc, xuất xứ thế nào, cũng không biết nó được thu gom từ những đâu, lấy gì ra để đảm bảo chúng không gây bệnh tật, chết người?”, chị Tuyết chia sẻ. Cũng vì “kinh sợ” như thế, nên chị Tuyết bảo không “thèm” buôn cái loại mặt hàng đó, vì… “chị có đạo đức”(!)
Hơn nữa, do đặc thù của các loại thực phẩm này rất dễ ôi thiu, khó bảo quản, lại phải tích trữ nhiều ngày trong nhiệt độ nóng, ẩm, nên phần lớn chúng được các chủ hàng bơm tẩm hóa chất để chống phân hủy, bốc mùi. Khi nó vượt qua được “hàng rào” chức năng, chất lên bàn ăn, khả năng gây độc hại cho con người là không tránh khỏi.
Không chỉ các đồ may mặc, thực phẩm, những đồ dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, mà các mặt hàng “đồ nóng”, “đồ nguội”, “đồ sung sướng”, đồ chơi kích động bạo lực, phim, ảnh khiêu dâm, đồi trụy cũng được “tuồn” mạnh vào thị trường Việt Nam. Dao, kiếm, súng… có đủ các chủng loại to nhỏ, được chế tạo bằng nguyên vật liệu từ nhựa đến sắt, thép, I-nox có khả năng sát thương cao được các chủ hàng lén lút mua bán. Không hiểu, khi những lô hàng loại này tỏa ra thị trường, nó sẽ gây hệ lụy, hậu quả gì cho xã hội?
Mặc dù các lực lượng chức năng thường cuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nhằm ngăn chặn hành vi buôn lậu, nhưng, xem chừng nó giống như “bắt cóc bỏ đĩa”. “Bàn tay” buôn lậu giống như cái vòi bạch tuộc khổng lồ, vươn về mọi ngõ ngách, từ núi cao đến thành thị. Nó như bài toán khó chưa có được lời giải của các cơ quan chức năng.
Trung Thành