Ăn không từ thứ gì", ngay cả khi dầu sôi lửa bỏng, con virus tai quái tung hoành, đất nước căng mình chống đỡ như thế mà các ông cũng "cấu xé" để chia chác, đó không phải bất nhân thì là gì?
Phó giáo sư, tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm, ông có thấy vô tri, vô cảm, tham lam và tàn nhẫn lắm không? Ông và nhóm thuộc cấp đã cấu kết, thông đồng với nhau nâng khống gói thiết bị y tế từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng, nghĩa là gấp 3 lần giá nhập để trục lợi.
"Chống dịch như chống giặc", đó là cuộc chiến thực sự đấy ông Cảm. Cả hệ thống chính trị đã phải "chiến đấu" không biết mệt mỏi, thế mà các ông lại "đục nước béo cò".
Ông Nguyễn Nhật Cảm (bìa trái) và các thuộc cấp
Những "chiến binh" áo trắng, họ đã hi sinh tất cả những quyền lợi cá nhân để xông lên tuyến đầu chống dịch. Trang thiết bị y tế chính là "vũ khí" của họ, là tấm giáp bảo vệ chính họ và sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
CDC Hà Nội là tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch. Đơn vị có trách nhiệm phải sàng lọc, xét nghiệm, đưa ra cảnh báo và công bố những người nhiễm bệnh. Trọng trách nặng nề, nhiệm vụ vinh quang như thế mà ông lại đem ra bán rẻ chỉ vì lòng tham.
Ông không xứng đáng được gọi là đồng nghiệp với họ-những y bác sĩ đang ở tuyến đầu ấy đâu, ông Cảm.
Ông có thấy những cụ già tuổi "xưa nay hiếm" sẵn sàng góp những đồng tiền bỏ ống cuối cùng ra hỗ trợ Chính phủ không? Những đồng tiền họ ròng rã chắt bóp để an dưỡng tuổi già đấy, ông Cảm.
Ông có thấy những đứa trẻ đập lợn đất, vuốt ve phẳng phiu những những tờ tiền quăn queo mà trước đó chúng được lì xì để đi quyên góp cho cả nước chống dịch không? Những đứa bé mới chỉ học lớp 3, lớp 4 đấy ông Phó giáo sư, tiến sĩ Cảm ạ.
Ông có thấy những người dân xếp hàng dài chờ để lấy những hạt gạo tình nghĩa ở điểm được gọi là "ATM gạo" không? Đó đều là những người dân nghèo, những số phận bị tổn thương vì dịch bệnh. Họ là những lao động mà ráo mồ hôi là hết cái ăn chứ đâu được như ông Giám đốc CDC Hà Nội.
Lẽ nào ông vô tri, vô cảm đến nỗi không nhìn thấy cả dân tộc từ kẻ giàu, người nghèo đều chung tay nhường cơm, sẻ áo cho nhau?
Vô cảm trên nỗi đau của nhân dân là bất nhân. Phản bội đồng nghiệp trên tuyến đầu chống dịch chẳng phải là bất tín? Được nhà nước giao nhiệm vụ, trọng trách quan trọng mà vi phạm chẳng phải là bất trung? Coi thường pháp luật, hủy hoại đạo đức chẳng phải là bất nghĩa? Vướng vòng lao lý để tổ tiên, cha mẹ phiền muộn chẳng phải là bất hiếu?
Chẳng lẽ vì chút lòng tham mà sẵn sàng trở thành kẻ bất nhân, bất trung, bất tín, bất hiếu, bất nghĩa hay sao?
Trong lúc cả nước "chống giặc" mà ông và các thuộc cấp vẫn còn an tĩnh, bày được mưu chước để trục lợi tiền tỉ thì tôi đồ rằng lòng tham của các ông đã đạt mức thượng thừa rồi.
Còn bao nhiêu người như ông Cảm? Còn bao nhiêu phi vụ mà ông và thuộc cấp đã thông đồng trót lọt? Còn bao nhiêu đơn vị được giao nhiệm vụ mua thiết bị y tế như CDC Hà Nội đã đẩy giá "lên trời"? Đó vẫn là những câu hỏi đang chờ lời đáp.