Bắt đầu với ý nghĩa là bước vào giai đoạn đầu, là khởi điểm của một công việc, một quy định, một trang thái. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là bắt đầu khôi phục lại thời hiệu khi xuất hiện các sự kiện, tình huống do luật định.
Thời hiệu khởi kiện và bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thời hiệu khởi kiện thì mới có quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, vì đó là sự bổ sung làm cho thời hiệu khởi kiện phù hợp hơn, sinh động hơn trong thực tiễn cuộc sống. Tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:
“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”
Thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện dài hay ngắn là do pháp luật quy định cho loại quan hệ pháp luật đó. Do đó, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (theo nghĩa rộng bao gồm cả tranh chấp dân sự, tranh chấp lao động, kinh doanh thương mại) được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu một loại quan hệ pháp luật nào đó được pháp luật quy định rõ thời hiệu khởi kiện thì phải thực hiện theo quy định về thời hạn khởi kiện được quy định trong các văn bản pháp luật đối với loại quan hệ đó. Trong trường hợp một loại quan hệ pháp luật dân sự nào đó mà pháp luật chuyên ngành hoặc Bộ luật Dân sự không có quy định về thời hiệu khởi kiện hoặc không thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 160 Bộ luật Dân sự và quy định tại điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm. Thời điểm tính thời hạn hai năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã, đang bị người khác xâm phạm, và họ phải thực hiện ngay quyền khởi kiện của mình tại Tòa án trong thời hạn nói trên. Nếu người có quyền dân sự bị xâm phạm thực hiện quyền khởi kiện của mình trong khoảng thời gian đó thì Tòa án có trách nhiệm xem xét, phán xử về quan hệ tranh chấp đó.
Một phiên tòa dân sự
Thời hạn hai năm bắt đầu tính từ ngày biết được quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm; Do đó, nếu hết thời hạn hai năm mà người có quyền, lợi ích bị xâm phạm không khởi kiện, thì về nguyên tắc sẽ mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, tại Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự như sau:
“Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Dân sự quyền khởi kiện có thể được khôi phục nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Một là: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.
Dù đã hết thời hiệu khởi kiện, nhưng người có nghĩa vụ vẫn thừa nhận nghĩa vụ của mình với người khởi kiện, và chỉ cần họ thừa nhận một phần nghĩa vụ là thời hiệu khởi kiện được khôi phục trở lại. Thời điểm khôi phục lại thời hiệu khởi kiện là từ lúc người có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ của mình.
Việc một bên thừa nhận nghĩa vụ ở giai đoạn nào sẽ được chấp nhận cho khôi phục thời hiệu khởi kiện còn có ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng bên có nghĩa vụ phải thừa nhận một phần hay toàn bộ nghĩa vụ của mình trước khi khởi kiện thì mới được khôi phục lại thời hiệu khởi kiện. Vì việc thừa nhận đó sẽ là cơ sở để người khởi kiện tiến hành khởi kiện khi vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện; nếu bên có nghĩa vụ không thừa nhận nghĩa vụ của mình thì vụ việc dân sự đó vẫn đang trong tình trạng hết thời hiệu khởi kiện, và đương sự không còn quyền khởi kiện. Nếu đương sự khởi kiện, Tòa án đã thụ lý thì đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự đó… Vì vậy việc bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hay toàn bộ nghĩa vụ sau khi Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự, sẽ không áp dụng Điều 162 Bộ luật Dân sự để tính lại thời hiệu khởi kiện.
Loại ý kiến thứ hai (và đây cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng giữa quyền khởi kiện và thời hiệu khởi kiện là khác nhau. Quyền khởi kiện xuất phát từ quyền, lợi ích bị xâm phạm… còn thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian được thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vì thế, khi đương sự chứng minh được quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm và đương sự khởi kiện thì Tòa án phải thụ lý, dù Tòa án có cho rằng vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện cũng không được từ chối thụ lý vụ việc dân sự. Sau khi thụ lý Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ và trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đó Tòa án xem xét vấn đề thời hiệu còn hay hết, hoặc phải xem xét trong thời gian đó có xuất hiện các điều kiện do pháp luật quy định sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện hay không? hoặc có xuất hiện các yếu tố để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện không.v.v… Nếu trong các tài liệu thu thập được xuất hiện các chứng cứ thỏa mãn các điều kiện về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện… thì Tòa án phải chấp nhận việc khôi phục lại thời hiệu khởi kiện.
Do Bộ luật Dân sự không quy định việc thừa nhận nghĩa vụ phải diễn ra ở thời điểm nào mới được khôi phục lại hoặc không khôi phục lại thời hiệu khởi kiện. Do đó, bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ có thể diễn ra trước khi khởi kiện hoặc diễn ra sau khi khởi kiện đều được tính lại thời hiệu khởi kiện.
Từ các phân tích trên có thể kết luận: Trước hoặc sau khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, hoặc ngay tại phiên tòa bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần nghĩa vụ của mình đều được khôi phục lại thời hiệu khởi kiện.
Việc thừa nhận nghĩa vụ có thể được thể hiện dưới dạng văn bản, có thể bằng lời nói được ghi âm, ghi hình, được cán bộ Tòa án ghi lại trong các biên bản lấy lời khai, biên bản phiên tòa…
Việc thừa nhận một phần hay toàn bộ nghĩa vụ là sự công nhận trách nhiệm của người có nghĩa vụ với người khởi kiện. Do đó, dù người có nghĩa vụ chỉ công nhận một phần nghĩa vụ nhưng thời hiệu khởi kiện được xác định lại cho toàn bộ nghĩa vụ đang có tranh chấp, chứ không phải chỉ khôi phục lại thời hiệu đối với phần nghĩa vụ được người có nghĩa vụ thừa nhận.
Dù được khôi phục thời hiệu khởi kiện cho toàn bộ nghĩa vụ, nhưng điều đó không có nghĩa bên khởi kiện, bên yêu cầu không phải chứng minh đối với phần nghĩa vụ mà bên bị kiện, bị yêu cầu không thừa nhận. Vì vậy, đối với phần nghĩa vụ mà bên bị khởi kiện… không thừa nhận thì Tòa án phải thu thập tài liệu, chứng cứ; tùy theo kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ và các quy định của pháp luật nội dung để có quyết định phù hợp.
- Hai là: Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.
Đối với trường hợp này, theo tác giả khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự thì nên bỏ từ “xong” sẽ không gây ra cách hiểu khác nhau, đó là hiểu thế nào là “thực hiện xong một phần nghĩa vụ”? nếu có thực hiện nghĩa vụ, nhưng chưa thực hiện “xong một phần nghĩa vụ” đó thì không khôi phục lại thời hiệu khởi kiện hay sao? Nếu có nhiều nghĩa vụ xuất phát từ nhiều quan hệ pháp luật, vậy thế nào là thực hiện xong một phần nghĩa vụ của một hay nhiều quan hệ pháp luật? ví dụ: vừa nợ tiền mua hàng hoặc nợ số lượng hàng chưa giao theo hợp đồng mua bán, vừa nợ tiền vay và được khởi kiện trong cùng một vụ án thì các loại nghĩa vụ đó thuộc hai quan hệ pháp luật khác nhau, nếu đã thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ số tiền vay có khôi phục lại thời hiệu đối với nghĩa vụ trả nợ tiền hàng hoặc nghĩa vụ giao hàng trong quan hệ pháp luật mua bán hàng hóa hay không?
Trong trường hợp chỉ có một quan hệ tranh chấp được yêu cầu giải quyết trong vụ án, đó là khoản nợ tiền vay và toàn bộ khoản nợ đó được xác định phải trả trong cùng một thời điểm. Vậy việc thanh toán số nợ bao nhiêu để được coi là “thực hiện xong một phần nghĩa vụ”?
Nếu đã coi hành vi thực hiện nghĩa vụ là một căn cứ tính lại thời hiệu khởi kiện, thì cần gì phải quy định thực hiện “xong” một phần nghĩa vụ mới được tính lại thời hiệu? Vì vậy, theo quan điểm của tác giả chỉ nên quy định: “bên có nghĩa vụ thực hiện một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện” là được tính lại thời hiệu. Quy định như vậy vừa bao quát, dễ hiểu, vừa không cần phải giải thích thế nào là thực hiện “xong” một phần nghĩa vụ.
Khi bên có nghĩa vụ thực hiện được một phần nghĩa vụ trước hoặc sau khi khởi kiện, sau khi thụ lý thì đều được xác định lại thời hiệu khởi kiện.
- Ba là: Các bên đã tự hòa giải với nhau
Đây là một quy định có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc được xuất phát từ quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, quyền tự định đoạt… đã được quy định trong hiến pháp, trong rất nhiều các ngành luật khác nhau. Ví dụ tại Điều 4 của Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận như sau:
“Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.
Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.”
(còn nữa)