Bất chấp đại dịch, vốn ngoại vẫn “đổ về” startup Việt

Trang Nhi| 12/10/2021 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù dịch COVID-19 kéo dài tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, thế nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các công ty khởi nghiệp (startup) ở Việt Nam vẫn ghi nhận diễn biến khá tích cực.

Startup Việt vẫn “hút” vốn đầu tư

Quý III/2021 vừa qua có thể coi là một quý thành công trong việc gọi vốn của các startup Việt, dù đây cũng là giai đoạn COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Đứng đầu Top 10 startup gọi vốn là VNLife với số vốn kêu gọi được lên tới 250 triệu USD. Xếp thứ hai là TiKi kêu gọi thành công 94 triệu USD. Theo sau là KiotViet với số vốn kêu gọi được là 45 triệu USD, LoShip kêu gọi được 12 triệu USD, Kobiton được đầu tư 12 triệu USD…

anh-1.jpeg
VNLife huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.

Nhiều startup Việt Nam vẫn gọi vốn thành công trong COVID-19 cho thấy các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào mô hình kinh doanh, sự sáng tạo và tiềm năng của startup Việt.

Theo lý giải của bà Lê Hoàng Uyên Vy - đồng sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures chia sẻ, dòng vốn ngoại vẫn “đổ về” Việt Nam bất chấp dịch bệnh, nhất là các startup công nghệ, bởi với giải pháp công nghệ hiện đại, các statup có thể đi nhanh và mạnh hơn, có khả năng thích ứng linh hoạt trong mọi mọi cảnh.

Có thể thấy trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các giải pháp từ công nghệ giải quyết được những vấn đề hiện có của xã hội. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những startup nào tập trung các giải pháp cốt lõi, khả thi trong mở rộng kinh doanh, thay đổi giá trị cho DN và cuộc sống sẽ có nhiều cơ hội tiềm năng nhận được khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư trong thời gian tới.

Sự gia tăng về số doanh nghiệp kêu gọi vốn thành công đã tạo niềm tin cho cộng đồng khởi nghiệp đang dần được cải thiện, điều này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa khởi nghiệp, một bài toán đặt ra cho họ là lựa chọn con đường nào: Phát triển bùng nổ - nhanh chóng nắm bắt cơ hội, hay đi con đường dài hướng tới mục tiêu bền vững.

Hướng đi nào cho startup Việt để thích ứng an toàn với COVID-19?

FoodHub - một startup công nghệ cung cấp giải pháp thương mại điện tử dành cho thực phẩm sạch chưa bao giờ chọn tăng trưởng “nóng” cho con đường phát triển. Chậm, chắc, chất lượng trên từng đơn hàng, giữ chân được người dùng lâu dài mới là tôn chỉ lớn nhất!

Trên thực tế, trước khi dịch bệnh xảy ra, phát triển “nóng” đã khiến nhiều startup trên thế giới như WeWork, Greensill, Katerra… gục ngã. Bởi vậy, gần đây, các startup Việt đã tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn, thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần thì tập trung phát triển công nghệ có lợi thế dẫn dắt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong lâu dài, bởi nếu chỉ tăng trưởng “nóng” thì sẽ rất dễ chạm trần và không thể tăng trưởng nhanh trong những năm sau đó.

anh-2.jpeg
Các startup công nghệ được kỳ vọng sẽ bùng nổ hậu COVID-19.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom nhận định, hầu hết các startup hiện nay đã cẩn trọng hơn và lựa chọn các mô hình phát triển bền vững. Họ tập trung vào các giá trị lõi để tạo ra các giá trị khác biệt mà không chạy theo xu thế của thị trường, và công nghệ chính là chìa khóa tạo ra các giá trị cốt lõi đó cho hầu hết các doanh nghiệp.

Tuy vậy cũng phải thừa nhận rằng, COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, trong đó có startup. Làm thế nào để hạn chế những tác động xấu, thậm chí biến khó khăn thành đòn bẩy để startup bứt phá?

Theo Fibo Capital Việt Nam, bên cạnh nguồn vốn, “người đồng hành” là nhân tố không thể thiếu để dẫn dắt các startup non trẻ trưởng thành, giúp họ vượt qua các rào cản; chỉ ra các thiếu sót và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh tốt… Nói về tầm quan trọng của sự đồng hành và hỗ trợ trong kinh doanh, tỉ phú - cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump từng phát biểu: “Tôi học được nhiều điều về kinh doanh trong suốt chặng đường vừa qua, đặc biệt là phương thức huy động các nguồn lực: vốn, cơ sở hạ tầng, các loại dịch vụ và đặc biệt là được hợp tác với những tài năng lớn. Bạn không thể làm việc gì một mình”.

Thực tế, cộng đồng startup Việt Nam đã dần định hình và có xu hướng kết nối với cộng đồng start up toàn cầu, dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng chưa hoàn thiện. Shark Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM) cho rằng, khi tham gia vào một thị trường, ngay cả khi nó có tốc độ tăng trưởng tốt, các startup cũng cần chứng minh được doanh nghiệp của họ đã có “lối ra” thành công với bội số tốt để thu hút các nhà đầu tư. Để thuyết phục được các nhà đầu tư cá mập lớn, các startup phải có chiến lược tấn công thị trường khu vực và có cách “hạ cánh” dự án rõ ràng, đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư về một thị trường Việt Nam sôi động. Chúng ta nên lạc quan, nhưng phải có một “cái đầu lạnh” để nhìn nhận vấn đề thực tế.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã có đủ điều kiện tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp thành công với những “vườn ươm” khởi nghiệp... thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất chấp đại dịch, vốn ngoại vẫn “đổ về” startup Việt