Hai xe tải vận chuyển trái phép gỗ trắc đặc biệt quý hiếm có giá trị hàng chục tỷ đồng đã bị bắt giữ khi trên đường chở sang Trung Quốc tiêu thụ.
Ngày 13/11, CA tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị này đang tích cực phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Cục Cảnh sát môi trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh điều tra, làm rõ vụ vận chuyển khoảng 30 tấn gỗ trắc qua địa bàn tỉnh vừa bị bắt giữ.
Trước đó, đêm 9/11, lực lượng chức năng thuộc Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phối hợp với các lực lượng của tỉnh Bắc Ninh thực hiện tuần tra kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh phát hiện chiếc xe tải 34C-03196 có biểu hiện nghi vấn nên dừng kiểm tra.
Sau khi phát hiện xe chở gỗ trắc với số lượng lớn nhưng không có giấy tờ hợp lệ, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ và chuyển về Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh, toàn bộ số gỗ trên xe là gỗ trắc chưa qua sơ chế, nặng khoảng 30 tấn, có giá trị hàng chục tỷ đồng được lái xe khai nhận vận chuyển sang Trung Quốc để tiêu thụ.
Cũng trong đêm 9/11, tại thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng cũng phát hiện và bắt giữ một xe tải vận chuyển khoảng 30 tấn gỗ trắc.
Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm đếm làm rõ nguồn gốc và xác định những người liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Gỗ trắc có tên khoa học là Dalbergia thuộc loại gỗ quý hiếm ở nước ta. Trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 5/9/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trắc được xếp ở phụ lục I và II. Theo đó, gỗ trắc đen brazin (tên khoa học là Dalbergia nigra) được xếp ở phụ lục I, quy định những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại. Các loại gỗ trắc còn lại xếp vào phụ lục II, danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng, nếu việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại những loài này không được kiểm soát. Ở Việt Nam thời gian qua, tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ trắc trái phép diễn ra khá nhộn nhịp, “cơn sốt” gỗ trắc diễn ra trên nhiều tỉnh thành, giá thành gỗ trắc được thu mua theo kg, trung bình mỗi kg gỗ trắc có giá từ 300-1.000.000 đồng. Nhiều vụ vận chuyển, mua bán trái phép đã bị bắt giữ. |