Made in Viet Nam: Chất lượng và thương hiệu mạnh hơn xuất xứ sản phẩm

Trang Nhi| 17/07/2019 13:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là một trong nhiều ý kiến được đưa ra trong buổi toạ đàm do Viện IPS tổ chức với chủ đề “Made in Việt Nam”.

Xoay quanh vấn đề xây dựng thương hiệu hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa rất quan trọng không chỉ với hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động mà còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là khi chuỗi cung ứng sản xuất đã toàn cầu hóa.

Trong buổi toạ đàm, bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) chia sẻ: Việt Nam tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại, các thành viên tham gia đều phải thống nhất áp dụng chung về quy tắc xuất xứ, trong đó vấn đề ưu đãi thuế quan được đặt lên hàng đầu đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Có 02 quy định về quy tắc xuất xứ, các thành viên tham gia đều phải thống nhất áp dụng chung về quy tắc xuất xứ sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan.

Ngoài ra, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hoá, tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị (LVC) là những tiêu chí quan trọng xác định xuất xứ hàng hoá nhưng chưa được doanh nghiệp thực sự quan tâm. Ví dụ như: Quy định dán nhãn của Hoa Kỳ bắt buộc tất cả các hàng hoá có nguồn gốc nước ngoài nhập khẩu Hoa Kỳ đều phải dán nhãn “Made in...”.

Còn ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) chưa có quy định nào liên quan đến dán nhãn “Made in...” cho hàng hoá không phải thực phẩm nhập khẩu vào EU, việc dán nhãn là quyền tự do của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, EU quy định bắt buộc phải khai báo nước xuất xứ của hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu.

Made in Viet Nam: Chất lượng và thương hiệu mạnh hơn xuất xứ sản phẩm

Các diễn giả phát biểu tại tọa đàm Thế nào là Made in Vietnam? (Ảnh: Trang Nhi)

Bà Hương cũng chia sẻ: Việc doanh nghiệp cắt nhãn mác các nước khác đi gắn nhãn mác nước mình vào là hành vi về gian lận, lừa dối người tiêu dùng. Sau sự việc của Asanzo, VCCI đã gửi thông báo đến toàn bộ điểm cấp C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa), yêu cầu kiểm tra kiểm soát tất cả các doanh nghiệp đăng ký, có nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, công nghệ đáp ứng sản xuất cho sản phẩm đó hay không. Từ đó đã, phát hiện ra một số sản phẩm tăng trưởng xuất khẩu đột biến, nhiều doanh nghiệp mới thành lập, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, dây sạc, bộ sạc không dây, thu phát sóng wifi, máy huỷ tài liệu, thiết bị văn phòng, ván gỗ, ván ép, đá tự nhiên... Đồng thời phát hiện nhiều doanh nghiệp vào Việt Nam sản xuất gia công rất đơn giản: hàn bằng tay... rồi xuất khẩu sản phẩm đi, VCCI từ chối cấp C/O cho các doanh nghiệp này, và chỉ cấp giấy xác nhận một công đoạn sản xuất ra sản phẩm tại Việt Nam.

Bà Hương cũng đề xuất cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, nhất là cơ quan hải quan, kiểm tra chặt chẽ những lô hàng nhập khẩu linh kiện vào Việt Nam, và kiểm soát lô hàng đầu ra của DN. Tăng cường kiểm tra kiểm soát doanh nghiệp có nhập khẩu vào và xuất khẩu đi.

Tham gia toạ đàm, Luật sư Trần Ngọc Trung - cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie chia sẻ dưới góc độ người tiêu dùng: Hiện nay nhận thức của người tiêu dùng về xuất xứ hàng hoá là hoàn toàn khác nhau, ví dụ như với câu chuyện Asanzo, nếu có doanh nghiệp cũng nhập khẩu linh kiện Nhật Bản, hàm lượng như thế nhưng lắp ráp tại Việt Nam và dán nhãn Nhật Bản, thì có phải là lừa dối khách hàng?.

Luật sư Trung cũng bày tỏ: Có nhiều sản phẩm không xác định được xuất xứ, bản thân cơ quan chức năng không đặt trách nhiệm cho nhà sản xuất buộc phải xác định cụ thể xuất xứ sản phẩm. Dưới góc độ người tiêu dùng, vấn đề chất lượng được quan tâm nhất đối với một sản phẩm, thay vì quản lý chất lượng qua dán nhãn xuất xứ.

Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề dán nhãn xuất xứ hàng hoá được chia sẻ, Luật sư Trần Ngọc Trung và bà Trần Thị Thu Hương cùng nhiều người tham gia đồng tình với ý kiến: Xuất xứ và chất lượng sản phẩm cần tương xứng với nhau, dưới góc độ kinh doanh thì thương hiệu sản phẩm mạnh hơn xuất xứ sản phẩm mục đích cuối cùng là đáp ứng yêu cầu của khách hàng, để làm được điều này nỗ lực của các nhà sản xuất, đầu tư, doanh nghiệp là rất lớn, và hàm lượng chất xám là điều quy tắc xuất xứ không thể lượng hoá được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Made in Viet Nam: Chất lượng và thương hiệu mạnh hơn xuất xứ sản phẩm