Chiều nay (19/9), sau khi đi vào đất liền Quảng Bình-Quảng Trị, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Hồi 16 giờ ngày 19/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8 (62-74km/h); di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20km/h.
Do ảnh hưởng của bão, tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh cấp 9; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 10.
Sáng đến chiều nay (19/9), ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to: Tà Long (Quảng Trị) 292mm; Mai Hóa (Quảng Trị) 204mm; Hòa Thanh (Quảng Bình) 195mm.
Vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) đêm nay (19/9) còn có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 8 (62-74km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định-Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Biển động mạnh.
Trên đất liền: Vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị trong 3-6 giờ tới còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Từ chiều tối 19/9 đến ngày 20/9, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>100mm/6 giờ) ở khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Trị trong chiều tối và đêm nay (19/9).
Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát
Cảnh báo lũ, sạt lở đất ở 10 tỉnh, thành phố
Trang http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, đến 16h ngày 19/9, tại 10 tỉnh, thành phố là Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, TP Đà Nẵng có tới 305 xã có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ quét.
Cụ thể, tại huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Sơn Trà của TP Đà Nẵng; các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế nguy cơ sạt lở, lũ quét ở mức rất cao.
Còn tại tỉnh Quảng Trị các huyện Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh; tỉnh Quảng Nam là các huyện Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước cũng có nguy cơ sạt lở, lũ quét ở mức rất cao.
Tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình và huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh,... có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở.