Do nhiều lí do mà hụi, họ, phường vẫn đang còn đất diễn tại các làng quê xứ Thanh. Khi người cầm cái “mất phanh”, vung tay quá trán thì “cơn bão” hụi, họ lại khiến người dân khốn đốn. Bao nhiêu tài sản tích cóp được chỉ trong một thời gian ngắn tiêu tan, khó có khả năng thu hồi được.
Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên...".
Về mặt tích cực, đây có thể xem là một hình thức huy động vốn, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế gia đình. Nếu hoạt động đúng quy định thì đây cũng là cách góp vốn và vay vốn dễ dàng, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay, hình thức chơi hụi, họ đang bị biến tướng, gây nên những cơn “lốc hụi”, “bão phường” ở các làng quê. Một số chủ hụi lợi dụng việc huy động vốn, lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để chiếm đoạt tài sản.
Thực tế thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra một số vụ vỡ hụi với số lượng tài sản lớn lên đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết các vụ việc này đều xuất phát từ sự nhẹ dạ, cả tin, hám lời và thiếu hiểu biết pháp luật của người chơi.
Mới đây nhất, tại xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hoá đã xảy ra một vụ vỡ hụi khiến hàng chục người dân rơi vào cảnh trắng tay. Tháng 7/2024, ông Nguyễn Viết N., sinh năm 1962 và 10 công dân khác ở xã Hoằng Phong và xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa liên tiếp có đơn tố cáo bà Cao Thị Dung, sinh năm 1970 ở thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chơi hụi, họ với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.
Theo những người tham gia đóng họ, từ năm 2007. bà Cao Thị Dung đứng ra làm chủ “hụi”, huy động mọi người tham gia đóng tiền hàng tháng. Đa số các trường hợp tham gia đều là phụ nữ, người cao tuổi. Nguồn tiền đến từ lương công nhân, công thợ xây, tiền tiết kiệm nhiều năm và một số khác huy động từ con cháu.
Có 2 hình thức “góp vốn” cho bà Dung là đóng “hụi” và cho vay lãi. Có người chỉ chơi hụi, có người chỉ cho vay nhưng cũng có trường hợp cả cho vay và cả đóng “hụi”.
Cho đến trước thời điểm năm 2021, việc đóng tiền, lấy tiền của chủ “hụi” và người chơi “hụi” không có điều tiếng gì. Tuy nhiên, đến tháng 3/2024 thì bà Dung đã thông báo vỡ họ, không tiếp tục nhận tiền đóng họ từ người dân. Qua xác minh, đến thời điểm hiện tại có 78 người đã đóng các phần họ cho bà Dung mà chưa được thanh toán tiền.
Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, cho biết: Việc vỡ “hụi” liên quan đến bà Cao Thị Dung, UBND xã đã nắm được thông tin và tổ chức 4 lần làm việc với các bên để tìm phương án giải quyết.
Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trong việc chơi “hụi” nhưng chuyển biến về nhận thức của người dân chưa cao. Đến khi vụ việc vỡ lở, nhiều gia đình điêu đứng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại khu dân cư. Hiện nay, Công an huyện Hoằng Hóa đã vào cuộc xác minh và xử lý theo quy định.
Chơi họ, hụi, phường là hình thức cho vay, góp vốn mang nhiều rủi ro. Do vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên chọn lựa các hình thức đầu tư, tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn.
Nếu chọn hình thức chơi hụi, phường thì phải cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn chủ hụi; nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, góp vốn; vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa đề phòng rủi ro, tránh vi phạm pháp luật trong quá trình chơi hụi.