Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 25 năm vững trụ cột an sinh

Lan Trần| 16/02/2020 07:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây vừa tròn 25 năm, ngày 16/02/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Nghị định số 19/CP của Chính phủ thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Lần đầu tiên, kể từ khi thành lập nước, một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thành lập. Kể từ đây việc đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHYT của người lao động (NLĐ) và mọi người dân được thực hiện đầy đủ hơn, kịp thời hơn và ngày càng tốt hơn.

Nền an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Ngay từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về các chế độ BHXH và nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật BHXH và Luật này được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện vào năm 2014. Theo đó, chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức Nhà nước đã chuyển sang thực hiện cho mọi NLĐ, trên cơ sở quan hệ đóng - hưởng. Cùng với đó, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật BHYT và Luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, hoàn thiện theo hướng đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người tham gia.

Đặc biệt, trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã tiếp tục khẳng định: BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 25 năm vững trụ cột an sinh

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu trao sổ BHXH cho người lao động Tổng công ty may 10

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Tính đến hết năm 2019, toàn quốc đã có gần 16 triệu người tham gia BHXH, hơn 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và gần 86 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số).

Soi chiếu vào những mục tiêu đã được đặt ra cho Ngành BHXH, có thể thấy trong 25 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, không chỉ chăm lo phục vụ tốt các đối tượng tham gia thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ mà còn kịp thời đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung để Luật BHXH và Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống An sinh xã hội hiện nay.

Để đạt được những thành tựu quan trọng đó, BHXH Việt Nam xin gửi lời tri ân sâu sắc đối với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành đoàn thể, cấp ủy và chính quyền các cấp; sự đồng hành, giúp đỡ của các cơ quan truyền thông; sự nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức và lao động trong toàn hệ thống.

25 năm xây dựng và phát triển BHXH Việt Nam - một hành trình tự hào được dựng xây bởi sự bản lĩnh, ý chí, niềm tin và đoàn kết, để mỗi một người lao động, người dân được đảm bảo an sinh, được chăm sóc sức khoẻ; mỗi gia đình không phải lâm vào cảnh bần hàn…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp bước cuộc hành trình ¼ thế kỷ, BHXH Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình toàn diện và mạnh mẽ, đặng góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu cao cả về an sinh xã hội, về BHXH, BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; là cầu nối quan trọng để chính sách BHXH, BHYT BH thất nghiệp của Đảng và Nhà nước đến với người lao động và nhân dân.

1. Năm 1995 - Thành lập BHXH Việt Nam

 Ngày 16/02/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 19CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh & Xã hội và Liên đoàn Lao động. Hệ thống BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất từ cấp Trung ương đến cấp quận, huyện.

2. Năm 2002 - Hợp nhất tổ chức BHXH, BHYT

Ngày 24/01/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTG chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Ngày 06/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Hệ thống BHXH Việt Nam vẫn gồm 03 cấp, tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở Trung ương tăng từ 08 đơn vị giúp việc lên 17 đơn vị.

3. Năm 2006 - Luật BHXH ra đời

Ngày 29/6/2006, Luật BHXH đã được Quốc hội khoá XI thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ chính sách BHXH.

4. Năm 2008 - Luật BHYT ra đời

Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật BHYT. Đồng thời Chính phủ quyết định lấy ngày 01/7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam.

5. Năm 2012 - Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về BHXH, BHYT

Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, đánh dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội với nhiều đột phá trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nâng cao vai trò, trách nhiệm cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện các chính sách này.

6. Năm 2013 - Ban hành Luật Việc làm

Ngày 16/11/2013, Quốc hội ban hành Luật Việc làm số 38/2013/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 tách chính sách BHTN ra khỏi Luật BHXH và bổ sung các chính sách mới về BHTN làm tăng quyền lợi hưởng các chế độ BHTN như bổ sung trợ cấp Hỗ trợ học nghề, Hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

7. Năm 2014 - tiếp tục sửa đổi Luật BHXH, BHYT

Ngày 13/6/2014, Quốc hội khoá XIII đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó quy định rõ “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”; khuyến khích tham gia theo hộ gia đình và Ngày 20/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi) hướng đến 02 mục tiêu chính là mở rộng diện bao phủ BHXH và thiết kế bổ sung chính sách phù hợp hơn, bổ sung nhiệm vụ quan trọng đối với Ngành BHXH về chức năng thanh tra.

 8. Năm 2016 - tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ

Ngày 05/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo đó, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở Trung ương gồm 24 đơn vị.

9. Năm 2018 - Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH

Ngày 23/5/2018, tại kỳ họp thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, khẳng định sự quan tâm sâu sắc và nhất quán của Đảng ta đối với sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội cho mọi người dân.

10. Năm 2020 - Phát triển ngành BHXH hiện đại

Củng cố mục tiêu phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng hiện đại, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đáp ứng yều cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 25 năm vững trụ cột an sinh