Báo chí với việc quảng bá về văn hóa Việt Nam

Như Hoa| 21/06/2022 07:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người và bản sắc, cốt cách dân tộc. Vì thế, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.

Với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, báo chí ngày càng khẳng định tầm quan trọng và sự ảnh hưởng to lớn trong việc định hướng, hình thành, lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Báo chí góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Báo chí là một bộ phận của văn hóa, văn hóa chính là môi sinh để báo chí hoạt động, mối quan hệ giữa báo chí và văn hóa là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó. Các nhà báo vừa làm nhiệm vụ truyền tải thông tin, nhưng cũng là truyền tải ánh sáng văn hóa, báo chí chỉ có thể làm tốt nhiệm vụ của mình khi làm tốt chức năng truyền tải văn hóa. Báo chí sáng tạo, cải biến và lưu truyền văn hóa. Trong văn hóa có báo chí, trong báo chí có văn hóa. Mỗi tác phẩm báo chí là một tác phẩm văn hóa và mỗi nhà báo là một chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng.

Xác định tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới, nhất là góp phần thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thời gian qua, báo chí với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng đã góp phần rất lớn trong việc định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội.

Báo chí đã góp phần tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình, đồng thời phản ánh những thói hư, tật xấu, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa..., góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn.

Trên mặt trận truyền thông, tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều chương trình, chuyên mục tuyên truyền, biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu về văn hóa ứng xử như: Vì Thủ đô giàu đẹp văn minh, Góc nhìn văn hóa, Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Hà Nội những góc nhìn, Văn hóa sống, Sống an toàn; Tôi yêu Hà Nội; Hà Nội thanh lịch văn minh; Cuộc thi ảnh Người Hà Nội ứng xử thanh lịch; tọa đàm Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Bên cạnh đó, báo chí luôn phản ánh kịp thời hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa, như có thể thấy trên các chuyên mục như: Mỗi ngày một chuyện; Muôn mặt đời thường; Góc ảnh Hà Nội đẹp và chưa đẹp…qua đó phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội như: Bệnh thờ ơ, vô cảm, bệnh thành tích, thói hoang phí, lối sống vị kỷ, ứng xử lệch chuẩn, phản văn hóa, kém văn minh..., Đồng thời, rung hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong ứng xử văn hóa, rộng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Thông qua các chương trình, chuyên mục đó, báo chí đã nhân rộng những hành động đẹp trong ứng xử của người dân Thủ đô, từ đó giúp thay đổi hành vi, cách ứng xử trong cộng đồng.

bao-chi-1607-1655187406442510231103.jpg
Ảnh minh họa

Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới, các cơ quan chỉ đạo, quản lý về văn hóa cần tăng cường sự chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin để báo chí kịp thời thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các ngành, các cấp và của người dân đối với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý về văn hóa với cơ quan chỉ đạo, quản lý về báo chí trong định hướng và quản lý thông tin báo chí, truyền thông về văn hóa, hướng đến mục tiêu xuyên suốt khơi dậy khát vọng và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet đã và đang trở thành phương tiện quan trọng trong việc truyền bá các sản phẩm văn hoá và tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên nhiều thông tin trên không gian mạng chưa thực sự lành mạnh có ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của xã hội. Điều này, đòi hỏi các cơ quan chức năng trên lĩnh vực văn hóa cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để kiểm soát và xử lý thông tin trên không gian mạng, góp phần bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng.

Tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong quảng bá Văn hóa Việt Nam

Sự đổi mới của báo chí hiện đại Việt Nam ngày càng thể hiện rõ nét trong hội nhập quốc tế, đặc biệt là khẳng định vai trò quan trọng đối với việc gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa và con người Việt Nam. Để báo chí Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá về đất nước, về văn hóa con người Việt Nam với toàn thế giới theo đúng tinh thần của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, chúng ta cần:

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa đối với văn hóa, nghệ thuật trong nước; đấu tranh phòng, chống sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại; ngăn chặn các hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ theo xu hướng thương mại hóa, buông lỏng quản lý nội dung, xã hội hóa sai nguyên tắc. Kịp thời thông tin tuyên truyền khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn; biểu dương những điển hình tốt, gương tiêu biểu trong việc giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình văn hóa và công tác phòng, chống, bài trừ, phê phán các sản phẩm văn hóa độc hại.

Xác lập cơ chế thông tin thật phù hợp, khoa học, minh bạch và kịp thời. Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới, các cơ quan chỉ đạo, quản lý về văn hóa cần tăng cường sự chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin để báo chí kịp thời thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các ngành, các cấp và của người dân đối với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý về văn hóa với cơ quan chỉ đạo, quản lý về báo chí trong định hướng và quản lý thông tin báo chí, truyền thông về văn hóa, hướng đến mục tiêu xuyên suốt khơi dậy khát vọng và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trên nền tảng internet phát triển mạnh mẽ không biên giới hiện nay.

Cần tăng cường quảng bá những chương trình nghệ thuật đích thực, các sản phẩm văn hóa đích thực, các gương mặt nghệ sỹ xuất sắc, các vận động viên thể thao giỏi… Đối với các vấn đề nóng, các vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm, khi có khủng hoảng về truyền thông, thì phải kịp thời được đánh giá nhận xét và có thông tin một cách rõ ràng, nhất là truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội phát triển như hiện nay.

Xây dựng các chuyên mục, các chương trình phát sóng định kỳ hằng tuần, hằng tháng để giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị với diện tích và thời lượng phù hợp. Tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng chương trình, tin, bài thông tin về các hoạt động văn học, nghệ thuật. Không ngừng cải tiến nội dung, hình thức thông tin, chất lượng thông tin, bảo đảm cho độc giả, khán giả, thính giả được tiếp cận với tác phẩm văn học, nghệ thuật một cách thuận tiện nhất; đưa văn học, nghệ thuật đến mọi vùng, miền, mọi đối tượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh của Nhân dân./.

Giữ gìn bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí với việc quảng bá về văn hóa Việt Nam