Một lần đến chơi với nhà báo Dương Xuân Nam, ông chia sẻ, mỗi ngày ông được gửi tặng 6 tờ báo in, trong đó có Tiền phong, Tuổi trẻ, Nhân dân…
Câu chuyện nhỏ về nhà báo, nhà thơ nổi tiếng gốc Hà Tĩnh, người từng được mệnh danh là “cha đẻ Hoa hậu Việt Nam”, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền phong để thấy một điều rằng, trong thời đại công nghệ số phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, việc sử dụng báo điện tử, các trang tin điện tử tổng hợp để “update” tin tức gần như là thói quen hàng ngày của nhiều người.
Chỉ cần một cú click…
Ra đời từ những năm 1960 tại Mỹ nhưng phải đến đầu thập niên 1990, Internet mới thực sự làm nên “cuộc cách mạng” của mình. Ngay lập tức, Internet đã đặt loài người vào một kỷ nguyên với những thay đổi liên tục cùng sự trưởng thành và những ứng dụng ngày càng hiện đại của nó.
Internet cũng chính là nền tảng vật chất quan trọng của kỷ nguyên truyền thông mới: New media. Với các đặc tính mạnh mẽ của mình, new media đã khiến cho báo chí cũng phải thay đổi rất nhiều để có thể phục vụ độc giả của mình tốt hơn.
Với thế mạnh về tính tương tác cao, truyền thông mới, với sản phẩm đặc thù là mạng xã hội, đã khiến cho các phương tiện truyền thông trước đây gặp khó khăn lớn. Việc chia sẻ thông tin hay phản hồi ngay lập tức các bình luận của người dùng đã khiến cho mạng xã hội trở nên “quá nguy hiểm” với các phương tiện còn lại. Thậm chí, nó còn "nuốt" cả các phương tiện còn lại để tạo ra những cách diễn đạt nội dung hấp dẫn hơn nhằm phục vụ khách hàng. Nhà báo, Thạc sỹ Báo chí Nguyễn Cao Cường |
Theo Thạc sỹ Báo chí, nhà báo Nguyễn Cao Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), sự không giới hạn về khoảng cách địa lý đã làm cho ngành xuất bản báo chí truyền thống toàn cầu bị ảnh hưởng. Công chúng không cần phải đợi đến khi xuất bản để cầm trên tay tờ The New York Times nữa, mà thay vào đó, họ có thể ngồi ở Hà Nội và vào trang web của tờ báo này để đọc một bản tin.
Thạc sỹ Báo chí, nhà báo Nguyễn Cao Cường (áo đen, bên phải), trong giờ dạy nghiệp vụ báo chí
“Thời gian và không gian bị thu hẹp lại cùng lúc với mở rộng ra không giới hạn”, Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường bình luận.
Là một chuyên gia truyền thông, ông Nguyễn Cao Cường cho biết, Internet đã cung cấp một khả năng liên kết thông tin không giới hạn, khiến cho toàn bộ các phương tiện truyền thông như tivi, radio, báo in… bắt buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh tàn khốc với một màn hình đa cửa sổ của máy tính, nơi các mạng xã hội tin tức đang cạnh tranh để lôi cuốn khách hàng. “Đôi khi, bạn chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính, giờ đây là chiếc smartphone, để tìm kiếm thông tin text, audio, video, các siêu liên kết khác... trên mạng Internet”.
Phóng viên thời… facebook
Trong thời đại công nghệ số, diễn đàn, blog, cùng sự bùng nổ các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+, YouTube… được xem là các kênh đưa tin tức đến độc giả nhanh nhạy nhất. Và, nếu như trước đây việc người dùng sử dụng thông tin thu lượm được từ báo chí, truyền thông và đăng tải lên “wall” với chế độ “public” để mọi người cùng biết (hoặc chỉ bạn bè) thì giờ đây, việc truyền tải thông tin - một phần nào đó, đi theo chiều ngược lại.
“Mối quan hệ giữa nhà cung cấp tin tức và người dùng lần đầu tiên trong lịch sử truyền thông đã gặp phải những biến đổi sâu sắc. Người dùng, bây giờ không thụ động chỉ là người đọc tin tức như xưa. Họ đồng thời cũng là người cung cấp tin tức, tiêu dùng tin tức, thẩm định tin tức”, Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường nhận định.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng gặp tai nạn với một câu nói hớ hênh trên trang facebook cá nhân. Nhưng ông đã xử lý chuyên nghiệp khi đưa ra lời xin lỗi rất nhanh ngay hôm sau, khiến báo chí và truyền thông mạng xã hội chỉ còn biết cách khen ngợi. |
Mạng xã hội “lên ngôi”, khi mỗi người đều có thể trở thành “người đưa tin”, thì có một bộ phận phóng viên, nhà báo luôn xem chúng (mạng xã hội), đặc biệt là Facebook, là nơi cung cấp thông tin phong phú và… nhanh nhất. Thay vì đi thực tế tác nghiệp, những “phóng viên salon” sẽ ngồi lướt web thu thập thông tin, xử lý, sau đó đăng tải và… chờ duyệt. Thậm chí, rất nhiều biên tập viên của các trang tin điện tử tổng hợp, và cả báo điện tử, cũng sử dụng hình thức này để làm dày thông tin cho “trang” nhà.
Thế nhưng, nhà báo Nguyễn Cao Cường cũng cảnh báo: “Mạng xã hội là một biển thông tin, phóng viên có thể tìm kiếm nguồn tin ở đó. Nhưng nguồn tin này khác hoàn toàn với các nguồn tin mà họ đã tiếp cận từ hàng trăm năm nay. Và nhiều khi, phóng viên sẽ phải… trả giá cho những bài học mới để có thể biết cách khai thác các mỏ tin mới này”. Thực tế cho thấy, có khá nhiều báo đã phải cải chính, đính chính, xin lỗi, thậm chí bị xử phạt, kỷ luật, thậm chí rút giấy phép, thu hồi tên miền… vì hành vi đưa thông tin chưa kiểm chứng từ các nguồn không chính thống (điển hình là mạng xã hội) trong thời gian vừa qua.
Trong năm 2014, Bộ TT&TT đã xử phạt sai phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản số tiền là 2,522 tỷ đồng. Trong đó, VTV, báo điện tử Tri thức trẻ, Thanh niên, Tiền phong đứng đầu bảng danh sách cách cơ quan báo chí bị xử phạt, với mức phạt cao và vi phạm nhiều lần.
Làm gì khi bị rơi vào khủng hoảng?
Việc sử dụng tin tức xã hội (social news), theo Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường, đem lại hai lợi thế mà tin tức báo chí cổ điển không thể và cũng không muốn có: Đó là đăng ngay tức thời và biên tập hậu kiểm. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dẫn đến việc bản báo rơi vào tình trạng như đã nói ở trên (bị kỷ luật, rút giấy phép, thu hồi tên miền…) nếu như đưa thông tin một chiều, không kiểm chứng.
Lý giải về điều này, nhà báo Nguyễn Cao Cường cho biết: “Nhiều tin tức xã hội được đăng tải dưới các vỏ bọc ẩn danh, nặc danh mà người đăng không phải chịu trách nhiệm về đạo đức truyền thông, thậm chí là trách nhiệm pháp lý, cũng không bị cản trở bởi một hàng rào biên tập nào. Các trang mạng blog, mạng xã hội dường như tạo cơ hội không giới hạn cho việc tự do đăng tải”.
Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến cuối năm 2014, cả nước có 36 triệu/93 triệu người sử dụng internet, tương ứng với 38% số dân, đứng thứ 8 ở châu Á và thứ 20 thế giới. Chỉ tính 14 năm qua, từ năm 2001 đến 2014, số lượng người sử dụng internet tăng trung bình mỗi năm khoảng 12 - 15%. Trong số hơn 36 triệu người Việt Nam sử dụng internet, có gần 20 triệu khách hàng của Google, hơn 15 triệu của Yahoo!, có 26 triệu khách của Facebook, đều tăng rất cao so với con số dự báo cách đây 4 - 5 năm. |
Rõ ràng, trong thời buổi này, với mạng xã hội, ai cũng có thể phạm sai lầm. Vấn đề là, chúng ta cần làm gì khi đối diện với khủng hoảng. Theo Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường, chỉ cần thực hiện ba nguyên tắc sau đây.
Nhanh chóng: Nắm bắt thông tin về câu chuyện đang lan ra một cách nhanh nhất để biết và đánh giá nó, cũng như có cách ứng xử phù hợp.
Trung thực: Khi tiếp nhận thông tin để xử lý, bạn phải thật sự trung thực. Đừng bao giờ cố tình đánh lừa truyền thông. Hãy đưa ra tất cả thông tin để giới truyền thông thấy bạn đang thật sự trung thực, kể cả với những khó khăn của bạn.
Và cuối cùng, phải cầu thị. Khi bạn cầu thị thì công chúng sẽ dễ tha thứ cho bạn hơn.
Điều 9 Luật Báo chí quy định: Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo chí của mình. Khi báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận đó. Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả. Kể từ khi nhận được lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì trong thời hạn năm (5) ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình, mười (10) ngày đối với báo tuần, trong số ra gần nhất đối với tạp chí, cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu đó. Lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra theo quy định của Chính phủ. Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của Luật này, không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án. Ngoài ra, Điều 28 Luật Báo chí quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí như sau “Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự”. |