Sáng nay (7/12), Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân”.
Hội thảo nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí đối với công tác tuyên truyền, truyền thông trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng như nhằm cung cấp cho báo chí các thông tin y tế cập nhật và thống nhất thông tin.
Sự “bắt tay” giữa truyền thông và y tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khoẻ là một trong những giải pháp chủ yếu của Chiến lược Quốc gia Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Vì vậy, theo Bộ trưởng, công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ông tin tưởng rằng: Bộ Y tế và các cơ quan chức năng khác trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện có hiệu quả, thiết thực hơn trong công tác này.
Thực tế trong những năm qua, lực lượng làm công tác truyền thông của nước ta đã làm tốt công tác truyền thông để đảm bảo sức khỏe nhân dân được các cấp, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm chú ý.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Cùng với sự kết nối báo chí, nhiều hoạt động của ngành y tế được phản ảnh rất kịp thời. Những năm gần đây, liên tục có các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi rình rập, là những thách thức của ngành y tế. Nhờ sự hợp tác với truyền thông, những nỗ lực của ngành y tế trong các vụ chống dich, kiểm soát dịch bệnh đã được phản ánh khá đầy đủ và được nhân dân ghi nhận. Cũng với sự hợp tác của truyền thông, người dân cũng hiểu hơn về cách chủ động ứng phó dịch bệnh, để không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, nhất là không hoàn toàn dựa vào ngành y tế.
Cởi mở thông tin để ứng phó khủng hoảng
Y tế là lĩnh vực liên quan “sát sườn” đến Đời sống nhân dân nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất của mỗi người, thông tin y tế luôn dành được sự quan tâm của dư luận.
Thời gian qua, mặc dù truyền thông được coi là một trong những ưu tiên của ngành y tế, nhưng trong quá trình triển khai có “lỗi” ở khâu nào đó nên vẫn xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Để hạn chế những hậu quả do khủng hoảng truyền thông y tế, trước những sự cố y khoa rất cần ngành y tế mà cụ thể là lãnh đạo cơ sở y tế xảy ra sự cố chủ động, minh bạch thông tin với báo chí giống như việc cung cấp thông tin về hoạt động khám, chữa bệnh, về y tế dự phòng cho báo chí mà Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện như thời gian qua.
Như nhà báo Ngô Thanh Hằng (Báo Công an nhân dân) chia sẻ: Trước đây “dường như có tâm lý “kỳ thị” báo chí ở nhiều người, nhiều đơn vị trong ngành y tế với “mặc định” là cứ nhà báo hỏi thì chỉ là viết xấu về ngành y. Hậu quả, cả 2 bên ngành y tế và nhà báo đều “gánh”. Ngành y tế do vậy, bị dư luận hiểu một cách méo mó, phiến diện. Đến lúc này mới có đôi lời giải thích thì mọi việc đã quá muộn. Cứ như thế, mối quan hệ giữa hai bên ngày càng “đóng băng”. Hậu quả cuối cùng là người dân thiệt thòi”.
Nhà báo Thanh Hằng cũng ghi nhận: Hiện nay ngành y tế đã có nhiều thay đổi trong việc hợp tác với báo chí trong thời gian qua. Rất nhiều vụ việc đã được khắc phục và giải quyết hiệu quả nhờ hợp tác chặt chẽ với báo chí.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân là hết sức quan trọng. Truyền thông góp phần giúp người dân nâng cao phòng, chữa bệnh; giúp người dân, nhà quản lý… hiểu rõ về chính sách của ngành y tế; giải quyết khủng hoảng. Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Bộ Y tế cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí ngày càng gắn bó để công tác tuyên truyền về y tế ngày càng được đẩy mạnh, góp phần to lớn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.