Đời sống

Bánh Cáy – hương vị tết độc đáo của quê lúa Thái Bình

Minh Lý 10/02/2024 - 08:29

Cùng với “Canh cá”, bánh Cáy Thái Bình trở thành đặc sản mà trong tâm thức của mỗi người dân Thái Bình không thể không nhớ đến mỗi khi dịp Tết đến, Xuân về.

Đặc sản tiến vua

Làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) được coi là “cái nôi” của nghề làm bánh Cáy. Theo những người lớn tuổi kể lại, bánh Cáy do bà Nguyễn Thị Tần (1725 - 1800), đời thứ 6 tộc họ Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, tổng Cổ Cốc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) sáng chế.

Vốn là người thông minh, học giỏi, năm 1739, bà được tuyển vào cung phụ trách dạy bảo công chúa và các phi tần. Trong cung vua phủ chúa, bà được thưởng thức nhiều của ngon vật lạ, nhưng vốn xuất thân nơi thôn dã nên bằng chính những nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội mà quê hương làm ra, bà đã sáng chế ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị.

Sau khi đem tiến vua, được vua Lê Hiển Tông khen ngon liền đặt tên là bánh Cáy vì nhìn miếng bánh đan xen nhiều màu sắc bắt mắt trông giống trứng con cáy.

Còn dân gian lại nói vì bánh thơm ngon nên được quan địa phương chọn dâng vua, vua ăn thấy vị bùi, ngọt hòa cùng vị cay của gừng nên hỏi tên món bánh, viên quan dâng bánh nói rằng đó là bánh cay. Sau đó người dân đọc chệch là bánh Cáy.

banh-cay.png
Bánh Cáy (ảnh minh họa).

Ngày nay, bánh Cáy trở thành thứ bánh không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, Tết, mà nó đã và đang trở thành món bánh mang lại hiệu quả kinh tế cho chính những người dân nơi đây. Từ nghề truyền thống này, người dân nơi đây đã có “của ăn, của để” phát triển kinh tế ổn định.

Đi dọc tuyến quốc lộ 39A trên địa bàn xã Nguyên Xá, không khó để bắt gặp những cửa hàng bánh cáy nổi tiếng. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong làng, xã, bánh Cáy còn sản xuất sau đó phục vụ nhu cầu cho mọi người dân trong tỉnh và con em xa quê, thậm chí ở cả ngoại tỉnh. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết, nhu cầu tăng cao, bánh Cáy đã giúp nhiều hộ dân nơi đây tăng thu nhập.

Bánh Cáy thành phẩm phải đảm bảo chất lượng với hương vị đặc trưng: Ngọt vừa phải, thơm mùi lạc, vừng rang, ngậy vị của mứt bí, độ béo của xôi, dừa và vị cay cay của gừng. Khi thưởng thức món bánh này, thực khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện hương vị dẻo thơm, ngậy và bùi của các nguyên liệu từ đồng ruộng. Bánh Cáy là sự kết hợp tinh tế của những thành phần độc đáo và kỹ thuật làm bánh tỉ mỉ...

Trong những ngày đông giá lạnh, thưởng thức bánh Cáy Thái Bình ngon, phải là sự hòa quện vừa đủ độ dẻo, ngọt, cay nồng. Đi kèm với một ấm trà mạn, cùng vị đắng của trà hòa quyện vị ngọt, ấm không ngậy của bánh cáy, sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Và, cảm nhận ẩn trong những bánh cáy là tấm chân tình mộc mạc của người dân Thái Bình.

Bánh Cáy Thái Bình – món quà Tết không thể thiếu

Để làm ra chiếc bánh Cáy dẻo thơm là một quá trình công phu, phức tạp đòi hỏi nhiều sự kỳ công, khéo léo.

Nguyên liệu chính làm ra món bánh này cũng bình dị như cái tên của nó, bánh Cáy là một loại bánh được làm từ gạo nếp, có màu sắc rất bắt mắt nhờ lấy màu đỏ từ quả gấc và màu vàng từ quả dành dành. Bên cạnh đó, vị ngọt của bánh đến từ vị ngọt của mạch nha, thoảng đâu đó là hương thơm đặc trưng từ gạo nếp quyện lẫn với vị béo thơm của vừng, lạc, mứt dừa và tinh dầu bưởi.

Trong quá trình làm bánh Cáy, người dân Thái Bình thực hiện các bước công phu để tạo ra món ăn ngon này. Mỡ lợn được thái nhỏ và ướp trộn với đường để thấm đều. Nửa tháng trước khi làm bánh, mỡ lợn đã được ướp và trộn sẽ được xào cho đến khi trở nên trong và giòn. Các nguyên liệu khác như lạc và vừng cũng được rang chín và xát nhẹ để loại bỏ vỏ. Cà rốt, gừng tươi và vỏ quýt tươi được xào cùng đường và để riêng.

Nếp cái hoa vàng được chia thành 3 phần: Hai phần để nấu xôi và một phần để làm bỏng. Gạo nấu xôi được chia thành hai phần, một nửa nấu với quả gấc để tạo màu đỏ và nửa còn lại nấu với nước quả gấc để tạo màu vàng. Khi hai loại xôi đã chín, chúng được trộn lại với nhau và giã nhuyễn. Hỗn hợp này được cán mỏng, cắt thành từng lát nhỏ dài giống mứt bí rồi sấy khô. Phần gạo nếp còn lại được rang thành bỏng để tạo hương vị thơm ngon.

Sau khi đã sơ chế hoàn chỉnh, người làm bánh tiếp tục trộn hỗn hợp trên với mật mía và đổ vào khuôn gỗ đã lót sẵn vừng bên trong để tạo hình cho bánh. Bánh khi cứng lại sẽ được lấy ra khỏi khuôn và được phủ lớp vừng bên ngoài để tạo lớp vỏ bóng bẩy. Người thợ dùng thanh cắt để định lượng bánh đều trước khi tiến hành bước cắt bánh nhỏ hơn.

Hiện nay, các di tích lưu niệm nhân vật lịch sử của nghề làm bánh Cáy vẫn được người dân trong xã gìn giữ và tôn thờ. Ngày 10/10/2014, khu di tích đền thờ, từ đường và lăng mộ tổ nghề bánh cáy đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh Cáy – hương vị tết độc đáo của quê lúa Thái Bình