Bằng giả và tham nhũng

Mộc Miên| 11/12/2020 15:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sử dụng bằng giả để thăng tiến trong cơ quan công quyền, cho dù người trục lợi để thăng tiến có, hay không đáp ứng được trình độ như trên chiếc bằng, thì đây cũng đã được xem như một hình thức tham nhũng.

bang-gia-tham-nhung.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Tuổi trẻ cười

Những sai phạm trong đào tạo “chui” của Đại học (ĐH) Đông Đô vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận nhưng ngày qua. Sự việc bắt đầu từ ngày 23/11 Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an đưa ra công bố kết luận điều tra về những sai phạm của Đại học Đông Đô. Theo đó, cơ quan điều tra xác định Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.

Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng. Trong 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả.

Đồng thời Cơ quan điều tra cũng làm rõ, mặc dù Đại học Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, Bộ GD-ĐT vẫn cho đăng tải thông báo chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy của trường này lên Cổng thông tin của Bộ.

Điều hiển nhiên, vi phạm pháp luật tất sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Cụ thể ở đây là toàn bộ những cá nhân sai phạm, trong đó bao gồm cả lãnh đạo Trường Đại học Đồng Đô đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt giữ chờ ngày xét xử.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng trong vụ việc này, việc bắt giữ và trừng phạt những kẻ vi phạm pháp luật chỉ được xem như giải quyết “bề nổi của tảng băng chìm”, chứ chưa giải quyết được tận gốc những hậu quả những sai phạm gây ra.

Phải nói ngay rằng, trách nhiệm trước tiên thuộc về ĐH Đông Đô, khi không được phép đào tạo, nhưng vẫn mở lớp đào tạo, cấp bằng “chui”.  Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng không thể vô can, mặc dù Bộ đã lên tiếng giải thích rằng, Vụ Giáo dục Đại học hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp các trường đăng tải đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh chung tạo điều kiện cho thí sinh toàn quốc dễ dàng truy cập; theo quy chế các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án. Song, Website của Bộ mang tính pháp lý, nên các đề án, thông tin tuyển sinh đăng tải mang có độ tin cậy cao. Khi Bộ đăng tải đồng nghĩa với việc công nhận những thông tin đó là đúng. Do vậy, không thể nói Bộ không có trách nhiệm.

Và khi mà Bộ này còn chưa nhận thức rõ, sâu sắc vấn đề để rút kinh nghiệm một cách cầu thị thì liệu rằng bao giờ mới có những động thái “sửa sai”, kịp thời có những giải pháp quản trị một cách hiệu đúng với quả chức năng, trọng trách được giao. 

Một vấn đề lớn khác dư luận rất quan tâm đó là động cơ vi phạm của chính những người cấp bằng giả và sử dụng bằng giả trong vụ việc này.

Cựu Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô đều khai nhận rằng, thực hiện hành vi với động cơ vụ lợi cá nhân và nhằm được giữ chức vụ, công việc tại trường.

Vậy còn 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019, trong đó, 60 trường hợp sử dụng bằng giả người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc thi nâng ngạch viên chức, công chức..., trong đó có cả người "có uy tín" thì sao?.

Phải nhắc lại rằng hầu hết những người sử dụng bằng này biết rõ đây là bằng giả vì họ không qua tuyển sinh, không học hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng. Thực tế đó khẳng định, bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả do trường ĐH Đông Đô cấp đã được các trường hợp trên sử dụng với mục đích bổ sung điều kiện để đối phó, không loại trừ trong đó có cả những trường hợp nhằm mục đích để thăng tiến, họ có thể sử dụng bằng hợp thức hóa để "leo cao, luồn sâu" vào những cơ quan công quyền.

Vậy thì mục đích của người này cũng được xem là có động cơ cá nhân và nguy hiểm hơn là khi đã sử dụng bằng giả để thăng tiến trong cơ quan công quyền, thì điều đó còn nguy hại gấp trăm lần. Cho dù người trục lợi để thăng tiến có hay không đáp ứng được trình độ như trên chiếc bằng, thì đây cũng đã được xem như một hình thức tham nhũng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã từng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Điều quan trọng nhất là tư cách người cách mạng. Tham nhũng về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... là nguy hiểm vô cùng”.

Xử lý tội sử dụng bằng giả cũng đã được pháp luật quy định rõ. Tuy nhiên, nếu làm nghiêm, có thể một số đã và đang trong quy hoạch giữ những chức vụ quan trọng sẽ lộ mặt, mất uy tín; cả những người có trách nhiệm trong việc tổ chức cán bộ cũng phải chịu trách nhiệm, bị ảnh hưởng. Thậm chí việc mất một số cán bộ cũng là điều khó tránh khỏi.

“Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm” là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta sinh thời thường nhắc nhở, cũng như rất nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam luôn nhắc lại làm phương châm trong mọi lời nói việc làm của mỗi cán bộ và đảng viên. Vậy trong trường hợp này, công khai danh tính những người sử dụng bằng giả, cho dù họ là ai và xử lý theo pháp luật, nhằm ngăn chặn tham nhũng, không để những kẻ trục lợi tiếp tục “leo cao, luồn sâu” gây hại cho đất nước, khẳng định về đạo học chân chính cho những người dạy và học, mang lại niềm tin cho những cán bộ thanh liêm và mọi người dân luôn mong chờ vào một công lý và công bằng- Đó thật là điều nên làm và đáng làm!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bằng giả và tham nhũng