Say nắng, say nóng: Bệnh lý nguy hiểm không nên coi thường; Di dời các cơ sở tái chế chì để cắt nguồn ô nhiễm; Mặt biến dạng do dị dạng mạch máu não...
1. Phát hiện búi tóc trong dạ dày bé gái 5 tuổi
Mới đây một bé gái 5 tuổi được đưa đến bệnh viện ở Adelaide, Australia trong tình trạng không ăn uống được, đau bụng đã vài tuần và bệnh ngày càng nặng.
Sau khi khám các bác sỹ xác nhận trong dạ dày bé gái có một búi tóc và bị tổn thương lớn trong dạ dày và ruột non. Sở dĩ tóc kết búi trong hệ tiêu hoá là do sự co bóp của dạ dày và ruột không thể đẩy chúng ra ngoài khiến chúng ứ đọng, cùng với chất xơ ăn trong ruột tạo thành khối u, gây ra đau bụng và buồn nôn. Khi búi tóc to lên, có có thể gây loét, làm rách dạ dày và ruột và làm tắc đường tiêu hóa. Nó cũng có thể dẫn đến viêm tụy và vàng da.
Hình chụp X quang dạ dày bệnh nhân, cho thấy một khối cản quang ở trong, được xác định là búi tóc nặng bằng quả táo trong dạ dày và ruột. (ảnh Daily Mail)
Được biết bé gái này từng có tiền sử bị hội chứng nhổ tóc (trichotillomania) - người bệnh tự nhổ tóc của mình để ăn. Hội chứng này khá hiếm gặp, với chưa đến 120 trường hợp được báo cáo trong y văn, và hầu như chỉ xảy ra ở phụ nữ trẻ.
Sau khi tiến hành mổ lấy búi tóc ra, bệnh nhi sẽ được điều trị hành vi để không nhổ và ăn tóc của mình nữa, nhằm ngăn ngừa một ca mổ tương tự trong tương lai.
2 . Say nắng, say nóng: Bệnh lý nguy hiểm không nên coi thường
Theo bác sỹ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) nếu bệnh nhân say nắng không được cấp cứu kịp thời, sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: tụt huyết áp, tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, kiềm hô hấp, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ đường huyết, tăng uric máu, rối loạn đông máu, mất trí nhớ…”.
Từ đó, bác sỹ Chính khuyến cáo, bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt cần được chuyển ngay vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt, đau bụng, đau ngực, khó thở... thì phải nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Để tránh say nắng, sốc nhiệt, với người phải làm việc thường xuyên ngoài trời nắng, cần mặc quần áo, đội mũ dày, kèm theo khẩu trang, kính… và uống nhiều nước; đồng thời có chế độ nghỉ ngơi sau 45-60 phút làm việc, mỗi lần nghỉ chừng 10-15 phút. Nên uống nước có pha muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây... thường xuyên ngay cả khi chưa thấy khát.
3. Di dời các cơ sở tái chế chì để cắt nguồn ô nhiễm
Sáng ngày 28/5 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp khảo sát tình trạng tái chế chì tại xã Chỉ Đạo và đề nghị địa phương khẩn trương di dời các cơ sở tái chế chì để cắt nguồn gây ô nhiễm.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế thăm và tặng quà cho các cháu bé bị nhiễm độc chì tại thôn Đông Mai, Văn Lâm, Hưng Yên (Ảnh Suckhoedoisong.vn)
Đồng thời, thay đất ở một số cơ sở nhiễm chì nặng và yêu cầu các cơ sở sản xuất phải trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, nghiêm ngặt cho công nhân; khuyến cáo người dân không nên sử dụng thực phẩm nuôi trồng trong khu ô nhiễm; cơ quan y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ điều trị giải độc chì, xử lý ô nhiễm môi trường.
4. Nắng nóng gây nhiều dịch bệnh phức tạp ở trẻ nhỏ
Nắng nóng mấy ngày nay khiến số trẻ nhỏ bị viêm phổi, sốt virut, viêm màng não nhập viện tăng nhanh. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì số trẻ đến khám sốt virut chiếm 25% số trẻ đến khám tại khoa. Biểu hiện của bệnh là sốt trong 1-2 ngày hoặc có thể kéo dài cả tuần kèm theo các triệu chứng đau đầu, đau toàn thân, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, nổi vết loét đỏ trong họng, đau đầu lưỡi.
Theo ông Dũng thì năm nay bệnh viêm màng não, viêm não virut đến sớm, xuất hiện từ đầu tháng 5 và hiện nay đang là thời điểm của dịch khi có 20 ca vào nhập viện. Điều nguy hiểm là bệnh nhi đến viện ở tình trạng nặng với những biến chứng nguy hiểm.
Bộ Y tế cũng dự báo, với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sống tại nhiều nơi, dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát trong thời gian tới. Đây là những lo âu không nhỏ cho cả ngành y tế lẫn người dân trong việc ngăn chặn dịch, cũng như làm sao để dịch không cướp đi sinh mạng con người, nhất là khi mùa mưa - mùa dịch, đã cận kề.
5. Mặt biến dạng do dị dạng mạch máu não
TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Trung tâm cấp cứu và can thiệp đột quỵ S.I.S, Bệnh viện Phúc An Khang (TP.HCM) - ngày 28-5 cho biết , trung tâm vừa điều trị thành công cho bệnh nhân N.T.K.H. bị dị dạng mạch máu não hiếm gặp.
Vì dị dạng mạch máu não này, hàm mặt của bà H. (50 tuổi, Tiền Giang) bị biến dạng bẩm sinh một bên trán và nửa mặt trái.
Theo TS Trần Chí Cường, ngày 26-5 đã can thiệp nội mạch thành công, gây tắc trên 90% các mạch máu dị dạng cho bà H.. Sau can thiệp, khối dị dạng trên mặt bà H. đã cải thiện đáng kể.