Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý được nêu trong Đề cương dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi.
Hiện nay Điều 3 Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) quy định chung về thu nhập chịu thuế bao gồm 10 loại thu nhập gồm: (1) thu nhập từ kinh doanh; (2) thu nhập từ tiền lương, tiền công; (3) thu nhập từ đầu tư vốn; (4) thu nhập từ chuyển nhượng vốn; (5) thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (6) thu nhập từ trúng thưởng; (7) thu nhập từ bản quyền (8) thu nhập từ nhượng quyền thương mại; (9) thu nhập từ nhận thừa kế; (10) thu nhập từ nhận quà tặng. Luật thuế TNCN giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Theo Bộ Tài chính, nội dung quy định cụ thể các loại thu nhập chịu thuế TNCN như trên về cơ bản là phù hợp với thực tiễn tình hình KT-XH và các hình thức hoạt động trong đời sống dân cư, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế nói chung. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống KT-XH và các hình thức hoạt động kinh doanh mới đã phát sinh một số khoản thu nhập khác của cá nhân ngoài các loại thu nhập chịu thuế đã được quy định và thường là các khoản thu nhập khác có tính chất đặc thù như thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản, quyền tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại,...
Cơ quan xây dựng dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế) đánh giá, các khoản thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, quyền tài sản này cũng có bản chất giống với một số khoản thu nhập không thường xuyên (thu nhập vãng lai) đang thuộc diện chịu thuế TNCN hiện nay như: thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại...
Bộ này nhấn mạnh, tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và các Văn kiện của Đảng thời gian gần đây cũng như Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội đã đặt ra chủ trương đẩy mạnh các biện pháp khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế.
Vì vậy, cần nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế để đảm bảo bao quát hơn thực tế hiện nay theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết) hoặc quy định cụ thể các khoản thu khác để đảm bảo tính công bằng giữa các cá nhân có phát sinh thu nhập, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc đánh thuế TNCN và thông lệ quốc tế.
Cũng theo Bộ Tài chính, qua rà soát kinh nghiệm của các nước quy định về các loại hình thu nhập chịu thuế, ngoài việc liệt kê các nhóm thu nhập như: Thu nhập từ việc làm (tiền lương, tiền công, các khoản thưởng và thu nhập khác do lao động); thu nhập từ tác quyền; thu nhập từ tiền lãi; thu nhập từ cổ tức; thu nhập từ kinh doanh cá nhân; thu nhập từ tiền lương hưu; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản; thu nhập từ cho thuê tài sản, còn có quy định nhóm thu nhập khác để bao quát các trường hợp trên thực tế có thể phát sinh mà tại thời điểm ban hành Luật có thể chưa xuất hiện trên thực tế .
Theo đó, các nước thường có quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo tính bao quát đối với các khoản thu nhập khác (hay thu nhập có tính chất bất thường) của cá nhân.
“Phạm vi xác định các khoản thu nhập chịu thuế của pháp luật về thuế TNCN nhìn chung phù hợp với thực tiễn Việt Nam thời gian qua và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, với sự đa dạng nguồn gốc thu nhập của cá nhân gắn với mục tiêu, yêu cầu mở rộng cơ sở thuế, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cần rà soát bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế) hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác (thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại,...) là thu nhập chịu thuế”, Bộ Tài chính đề xuất.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới
Theo khảo sát của Bộ Tài chính, ở Thái Lan, thu nhập chịu thuế bao hàm cả thu nhập bằng tiền và hiện vật. Bất kỳ lợi ích nào do người sử dụng lao động hoặc những người khác cung cấp, chẳng hạn như nhà cho thuê miễn phí hoặc số thuế do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động cũng được coi là thu nhập chịu thuế để tính thuế TNCN. Thu nhập chịu thuế được chia thành 08 loại như sau: (1) thu nhập từ cung cấp dịch vụ cá nhân cho người sử dụng lao động; (2) thu nhập từ tiền lương, tiền công; (3) thu nhập từ chuyển giao bản quyền, chuyển quyền thương mại và sở hữu trí tuệ; (4) thu nhập từ cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng ở Thái Lan, thu nhập từ đầu tư vốn; (5) thu nhập từ cho thuê tài sản, bất động sản, hợp đồng mua bán, cho thuê; (6) thu nhập từ nghề nghiệp tự do; (7) thu nhập từ xây dựng và các công việc khác theo hợp đồng và (8) thu nhập từ kinh doanh, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, vận tải và các hoạt động khác.
Ở Trung Quốc, Luật thuế TNCN quy định 9 loại thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm: (1) thu nhập từ việc làm (tiền lương, tiền công); (2) thu nhập từ việc cung cấp các dịch vụ cá nhân như thiết kế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn luật pháp, kế toán…; (3) thù lao của tác giả; (4) thu nhập từ bản quyền; (5) thu nhập từ kinh doanh; (6) thu nhập từ lãi suất, cổ tức và phân phối lợi nhuận; (7) thu nhập từ cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện, tàu thủy và các tài sản khác; (8) thu nhập từ chuyển quyền sở hữu tài sản (chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản); (9) thu nhập bất thường khác.
Ở Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm: (1) thu nhập từ tiền công, tiền lương lao động; (2) thu nhập từ kinh doanh (bao gồm lợi nhuận từ thương mại, giao dịch bất động sản, cho thuê, mua bán quyền sử dụng và các thu nhập khác tạo ra từ các giao dịch thông thường); (3) thu nhập từ cổ tức (cả từ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước); (4) tiền lãi; (5) thu nhập từ lương hưu; (6) các thu nhập khác (giải thưởng bằng tiền hoặc hiện vật, tiền thưởng do trúng sổ xố, trò chơi cá cược, phí người sử dụng từ bản quyền, quyền sử dụng các sản phẩm trí tuệ, thu nhập từ chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, đánh cá, quyền sở hữu công nghiệp, bí mật công nghiệp, thông tin cá nhân, thương hiệu và quyền khai thác nước dưới lòng đất…).