Xử lý cán bộ sai phạm về nhà đất, xây dựng còn nhiều bất cập

PV| 23/02/2018 10:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin về việc xử lý cán bộ sai phạm trong thực hiện các quy định pháp luật về nhà đất, xây dựng tại một địa phương khu vực phía Nam đã được dư luận quan tâm. Tuy nhiên một số hành vi vẫn còn bị bỏ sót lọt.

Lại giơ cao, đánh khẽ

Tháng 6/2017, báo chí đã có nhiều tin bài phản ánh về hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn. Thông qua báo chí, nhiều công dân của huyện Côn Đảo cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cần tiếp dân đột xuất tại cơ sở để giải quyết đúng pháp luật các sai phạm về đất đai. Lý do là Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng là Đại biểu Quốc hội của đơn vị bầu cử huyện Côn Đảo, còn những công dân đang khiếu nại, tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ địa phương lại là các cử tri đã bỏ phiếu bầu cho các vị đại biểu của dân, trong đó có Bộ trưởng.

Xử lý cán bộ sai phạm về nhà đất, xây dựng còn nhiều bất cập

Nhiều công dân của huyện Côn Đảo vẫn chờ Bộ trưởng Trần Hồng Hà bố trí thời gian tiếp dân tại cơ sở để giải quyết sai phạm về đất đai tại lô K

Sau đó, dù buổi tiếp công dân không được tổ chức, nhưng ngày 23/6/2017, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã ký Văn bản số 3182 gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị giải quyết thông tin được báo chí phản ánh về những sai phạm trong cấp quyền sử dụng đất tại huyện Côn Đảo. Trong văn bản này, Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh BR-VT khẩn trương thực hiện thanh tra để làm rõ và giải quyết dứt điểm sai phạm đối với từng trường hợp cụ thể, không để sự việc kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống và quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm; đồng thời, tăng cường quản lý đất đai tại huyện Côn Đảo.

Đến thời điểm này, kết luận thanh tra đã làm rõ hàng loạt sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp phòng của huyện Côn Đảo nhưng kết quả xử lý kỷ luật vẫn chưa được công khai theo quy định. Trong khi đó, dư luận lại bất ngờ về hình thức kỷ luật quá nhẹ được áp dụng cho ông Võ Thái Hòa, thời còn giữ chức Trưởng phòng TN&MT huyện Côn Đảo, vì hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai của ông này đã đủ cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố theo pháp luật.

Theo Văn bản số 251/UBND-NVLĐTB&XH do UBND huyện Côn Đảo phát hành ngày 30/1/2018, ông Võ Thái Hòa, nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Côn Đảo, đã cùng gia đình lấn chiếm đất, xây dựng trái phép, kê khai không trung thực về thời điểm sử dụng đất để được cấp sổ đỏ. Theo văn bản này, ông Hòa cùng vợ là bà Trần Thị Yến, đã lấn chiếm hơn 1.142m2 đất công tại đường Nguyễn Đức Thuận, thuộc quy hoạch khu dân cư số 5, xây dựng công trình không phép có quy mô hơn 634m2 trên phần đất lấn chiếm. Thời điểm năm 2016, với tư cách là Trưởng phòng TN&MT thì ông Hòa đã ký danh sách cấp sổ đỏ, trong đó có vợ mình đối với phần đất lấn chiếm. Ngoài ra, ông Hòa cùng gia đình cũng kê khai không đúng hiện trạng sử dụng đất để được UBND huyện Côn Đảo cấp sổ đỏ cho hàng ngàn m2 đất tại nhiều vị trí khác.

Điều lạ lùng là sai phạm ở mức nghiêm trọng nhưng UBND huyện Côn Đảo chỉ yêu cầu ông Hòa kiểm điểm, phê bình, cũng như tiếp tục cho ông này làm chuyên viên của Phòng TN&MT. Điều này đã làm dư luận không khỏi lo lắng, trong đó có những hộ dân có nhà đất tại lô K nhưng sổ đỏ lại mang tên hàng chục cán bộ cấp huyện.

Người dân cho rằng nếu sai phạm đã đủ xử lý hình sự như trường hợp ông Hòa, nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Côn Đảo, nhưng chỉ bị kiểm điểm thì không biết những sai phạm tại lô K liên quan đến các sổ đỏ cấp sai đối tượng liệu có được quan tâm xử lý triệt để.

Xử lý cán bộ sai phạm về nhà đất, xây dựng còn nhiều bất cập

Nhiều sai phạm của cán bộ huyện Côn Đảo về đất đai, xây dựng vẫn chưa được xử lý và công khai cho nhân dân.

Sót người, lọt tội?

Không chờ đến khi Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh công bố các hình thức kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ quận 7, về trách nhiệm quản lý xây dựng tại phường Bình Thuận, mà ngay từ khi các phòng, ban thuộc UBND quận 7 phải báo cáo về sự việc này, thì nhiều cán bộ, công chức đã bàn tán về nhiều điều không hay trong quy trình kiểm tra vụ việc này.

Lý do là cần phải tiến hành thanh tra công vụ đối với Chủ tịch UBND quận 7, các Phó chủ tịch UBND quận 7, các Trưởng, phó phòng, ban chuyên môn,… để làm rõ trách nhiệm, rồi sau đó mới căn cứ hành vi sai phạm để tiến hành kỷ luật cán bộ về mặt chính quyền, kỷ luật Đảng viên theo quy định thì sự việc này sẽ không kéo dài, cũng như bảo đảm sự đồng thuận trong cán bộ địa phương.

Theo hồ sơ, vụ việc bắt nguồn từ đơn dân nguyện của hộ bà Chi xin xây dựng nhà tạm để phục vụ hoạt động vườn ươm cây giống tại phần đất đã có quy hoạch là đất cây xanh ven rạch, thuộc phường Bình Thuận, quận 7. Sau khi bà Chi có đơn dân nguyện thì lãnh đạo UBND phường Bình Thuận đã tiếp nhận và làm tờ trình gửi UBND quận 7 đề nghị xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, trong các văn bản do UBND phường trình lên đều không đề cập đến việc hộ bà Chi đã nhiều lần bị xử phạt hành chính liên quan đến khu đất mà hộ bà muốn xin xây dựng nhà tạm để làm vườn ươm. Sau đó, UBND quận 7 đã có giao cho Phòng Quản lý đô thị tiến hành xem xét, tham mưu văn bản để lãnh đạo quận 7 trả lời đơn dân nguyện theo quy định. Qua xem xét các văn bản, đối chiếu quy định chung, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận 7 đã tham mưu văn bản dự thảo để lãnh đạo phòng ký trình Chủ tịch UBND quận 7 trả lời cho hộ bà Chi.

Xử lý cán bộ sai phạm về nhà đất, xây dựng còn nhiều bất cập

Hành vi xây dựng không phép, lấn chiếm đất rạch, trái quy hoạch có quy mô lớn đang là những điểm nóng tại quận 7.

Dù Văn bản 408/UBND-QLĐT ngày 24/12/2015 của UBND quận 7 chỉ là trả lời hộ bà Chi về xin xây dựng nhà tạm để làm vườn ươm, cũng như đã yêu cầu bà Chi liên hệ với UBND phường Bình Thuận để tiến hành thủ tục theo quy định, nhưng trong thực tế lại được hộ dân này dùng để xây dựng hàng chục ngôi nhà kiên cố. Hành vi xây dựng không phép, lấn chiếm đất rạch, trái quy hoạch có quy mô lớn do hộ bà Chi thực hiện trong thời gian dài nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý đã làm nhân dân địa phương bất bình và đề nghị lãnh đạo quận 7 cần kiểm tra, xử lý đúng pháp luật.

Đáng lẽ trong trường hợp này, Chủ tịch UBND quận 7 cần thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện vụ việc, vì nếu không có quan chức tiêu cực thì hộ bà Chi không thể xây dựng được 20 ngôi nhà trong sự im lặng của lãnh đạo UBND phường, của Thanh tra Xây dựng, cũng như của lãnh đạo UBND quận 7. Lý do là đến ngày 5/2/2016, ông Đào Gia Vượng, Phó chủ tịch UBND quận 7, vẫn ký Văn bản 191/UBND-QLĐT, với nội dung trả lời đơn xin điều chỉnh giấy phép xây dựng của hộ bà Chi. Nội dung văn bản này đã không trả lời cho bà Chi về bản chất Văn bản 408/UBND-QLĐT không phải là giấy phép xây dựng, thay vào đó trong văn bản thì lãnh đạo UBND quận 7 lại vẫn trả lời là đang kiểm tra, rà soát vị trí xin xây dựng của hộ bà Chi. Đây là cách trả lời đã “vô tình” giúp hộ bà Chi có thêm thời gian để hoàn chỉnh thi công 20 ngôi nhà, vì thực tế từ đầu tháng 1/2016 thì hộ bà Chi đã bị lập biên bản về hành vi thi công kiên cố, không đúng tinh thần Văn bản 408/UBND-QLĐT.

Nhưng thay vào đó, chỉ duy nhất trách nhiệm tham mưu để Chủ tịch UBND quận 7 ký Văn bản 408/UBND-QLĐT là được xem xét, khi vào tháng 7/2016, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 7, tiến hành kiểm tra vi phạm của lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 7. Ngay trong quá trình làm việc với tổ kiểm tra, các thành viên của Phòng Quản lý đô thị quận 7, đã giải trình đầy đủ về quá trình tham mưu Chủ tịch UBND quận 7 ký Văn bản 408/UBND-QLĐT trả lời đơn dân nguyện của hộ bà Chi là phù hợp quy định pháp luật.

Những cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận 7 cũng như đề nghị Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 7 cũng cần làm rõ vì sao hộ bà Chi có được bản vẽ công trình nhà tạm, dù các cơ quan chuyên môn của quận 7 không phát hành cho bà, để thi công thành 20 ngôi nhà kiên cố, vì sao các sai phạm trong quá trình sử dụng đất của hộ bà Chi lại không được UBND phường Bình Thuận, Phòng TN&MT, các Phó chủ tịch UBND quận 7,… báo cáo với Chủ tịch UBND quận 7 trước khi có Văn bản 408/UBND-QLĐT, vì sao xuất hiện Văn bản 191/UBND-QLĐT với nội dung chung chung, rất bất thường? Nhưng tất cả những điều này vẫn không được làm rõ nên đến thời điểm này một số cán bộ dù bị kỷ luật vẫn không “tâm phục, khẩu phục” mà vẫn tiếp tục kiến nghị kiểm tra lại để bảo đảm khách quan, công tâm, không để lọt người, sót tội, cũng như không để oan sai cho người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý cán bộ sai phạm về nhà đất, xây dựng còn nhiều bất cập