Vụ dùng mạng xã hội tung tin thất thiệt ở Đắk Lắk: Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng

Trâm Trần| 30/06/2019 07:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 3 năm sau khi trở thành người nổi tiếng “bất đắc dĩ” vì những thông tin thất thiệt do mạng xã hội đăng tải, đến nay cuộc sống của bà Đặng Thị Trang (SN 1972, trú tại số 6 Lê Lợi, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chưa thoát khỏi sự khốn đốn.

Có dấu hiệu tội vu khống

Bà Đặng Thị Trang hiện đang là Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Họa Mi, là người bị một số trang Facebook đăng tải những nội dung vu khống, làm nhục vào đầu tháng 2/2017 mà Báo Công lý đã thông tin.

Cụ thể vào thời gian này, bà Phan Thị Lệ (người dùng Facebook có tên Tiệc cưới Minh Lệ), bà Phan Thị Liễu (có tên Facebook là Cathetina Phan) và một số người có tên Facebook: Thảo Nguyễn, Thanh Nguyễn, Hiền Đô, Ân Ân, Nguyễn Minh, Lạc An… đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, sử dụng mạng máy tính xã hội vu khống, cắt xén hình ảnh cá nhân đăng tải nhiều thông tin không đúng sự thật. 

Vụ dùng mạng xã hội tung tin thất thiệt ở Đắk Lắk: Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng

Facebook có tên Thanh Nguyễn và những lời vu khống

Những người này chia sẻ clip đồi trụy từ kênh mạng phản động của An Lê rồi khẳng định bà Trang chính là nhân vật nữ trong đoạn clip đồi trụy đã ăn nằm với 4 thầy chùa ở huyện Cư M’gar, tung tin bà cướp chồng của bà Phạm Thị Thu Thảo. Không chỉ vậy, những người này còn tung tin lên mạng xã hội nói bà Trang có quan hệ bất chính, dan díu với mấy người cấp cao ở huyện; dùng mỹ nhân kế lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chùa Pháp Bảo số tiền 1,2 tỷ đồng tiền cúng dường của hàng vạn người dân góp lại để xây dựng chùa và từ năm 2011 đến 2017, có 4 chùa bị bà dùng chiêu này để lấy ít nhất 600 triệu đồng...

Sau khi sự việc xảy ra, bà Trang đã có đơn cầu cứu, đơn tố cáo gửi cơ quan Công an. Sau khi nhận đơn thư tố cáo của bà Trang, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xác minh số người có tên trong đơn tố cáo. Cơ quan điều tra đã tiến hành mời bà Phan Thị Lệ và Phan Thị Liễu lên làm việc. Tại buổi làm việc, bà Lệ và bà Liễu đã xác nhận tất cả những thông tin trên là nghe ông Trần Cao Trận (Trụ trì chùa Pháp Bảo- tại Tổ dân phố 4, TT Quang Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk  Lắk) nói sau đó về đăng lên Facebook.

Ngày 21/6/2017 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã có thông báo số 1286/TB-PC45(Đ2) với nội dung: các bà Lệ, Liễu, Thảo, Dung và các Facebook có tên Thanh Nguyễn, Hiền Đỗ, Ân Ân, Nguyễn Minh, Lạc An đăng thông tin, hình ảnh lên Facebook chỉ dựa vào những thông tin do ông Trận cung cấp, đã tự ý lan truyền  thông tin, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà Trang. Hành vi của ông Trận và những người trên có dấu hiệu của tội vu khống, tội phạm và hình phạt quy định tại Điều 122 BLHS. Với nội dung kết luận này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã chuyển vụ việc cho Công an huyện điều tra, xử lý theo thẩm quyền…

Vụ dùng mạng xã hội tung tin thất thiệt ở Đắk Lắk: Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng

Đăng tải clip nói bà Trang ăn nằm với 4 sư thầy tại nhà riêng

Công an huyện Cư M’gar vi phạm nghiêm trọng về tố tụng

Theo trình bày của bà Trang, nguyên nhân của sự việc trên xuất phát từ việc ông Trần Cao Trận (Trụ trì chùa Pháp Bảo) nảy sinh tình cảm nam nữ với bà nhưng bị bà khước từ. Không được đáp lại tình cảm, ông đã móc nối với những người nói trên để làm nhục bà. 

Quá trình điều tra xử lý, từ khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk chuyển vụ việc đến nay, bà Trang không nhận được bất cứ văn bản nào trả lời từ Công an huyện Cư M’gar theo quy định. Càng khó hiểu hơn vào ngày 3/6/2019, bà Trang trực tiếp đến hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung “không khởi tố vụ án” và cũng không được nhận quyết định, thông báo gì.

Để rõ hơn về kết quả giải quyết của Công an huyện Cư M’gar, PV tìm hiểu và được Trung tá Phan Hữu Hóa –Đội Phó Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Cư M’gar cho biết sau khi tiến hành xác minh, điều tra xác định chưa đủ căn cứ để khởi tố hình sự mà chỉ xử lý hành chính nhưng đã quá thời hiệu xử lý hành chính nên không xử lý(!?).

Về lý do vì sao ngày 21/6/2017 Công an tỉnh Đắk Lắk chuyển đơn đến Công an huyện Cư M’gar điều tra xử lý theo thẩm quyền nhưng đến 28/2/2019 mới kết thúc điều tra, Trung tá Hóa cho hay, sau khi nhận được đơn tố cáo Công an huyện đã giải quyết tin báo. Trong đơn này có hai mảng, tố cáo ông Trận và một số trang Facebook vu khống, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Sau khi kết thúc mảng tố cáo ông Trận, Công an huyện ra quyết định không khởi tố và tạm dừng để xác minh tin vu khống, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Trong quá trình xác minh phải gửi dữ liệu điện tử đến TP HCM giám định, sau khi có kết quả giám định mới phục hồi điều tra nên thời gian kéo dài.

Vụ dùng mạng xã hội tung tin thất thiệt ở Đắk Lắk: Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng

Những tin nhắn của ông Trận tỏ tình với bà Trang

Để rõ hơn về quy định xử lý đơn tố cáo liên quan đến vụ việc, PV đã tham khảo ý kiến của LS ThS Trịnh Anh Hùng- Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam và được ông Hùng cho biết: Về hành vi “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 BLHS và hành vi “Vu khống” được quy định tại Điều 122 BLHS; hành vi “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” được quy định tại Điều 253 BLHS. Hai tội “Làm nhục người khác” và “Vu khống” việc khởi tố phải theo yêu của người bị hại theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Bà Trang đã làm đơn tố cáo và yêu cầu khởi tố nhiều lần, theo quy định tại Điều 100, 101, 103 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng 2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư M'gar phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn 20 ngày, trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp phải kiểm tra, xác minh nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết không quá 2 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng. Kết quả giải quyết phải thông báo cho người tố giác và yêu cầu khởi tố biết.

Ở đây, ngày 14 và ngày 30/3/ 2017 cũng như nhiều lần khác bà Trang đã làm đơn tố cáo và yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can gửi Công an huyện Cư M'gar và Công an tỉnh Đắk Lắk tố cáo hành vi của các đối tượng. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm nhưng Công an huyện Cư M'gar không khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội để điều tra xác minh, thu thập chứng cứ, giám định… hay các hoạt động tố tụng khác, nhằm xác định có căn cứ khởi tố bị can hay không; không thông báo kết quả giải quyết cho bà Trang là không đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trang và vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Có thể thấy rằng, một vụ việc kéo dài hơn 2 năm, người đứng ra tố cáo không nhận được bắt cứ văn bản nào từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư M'gar. Điều này cho thấy Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư M'gar chưa làm hết trách nhiệm theo qui định tại Điều 34, 35,36,37,38 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Vi phạm Điều 14 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, có dấu hiệu bỏ lọt tội và người phạm tội, có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại Điều 369 của BLHS 2015.

Không đồng tình với cách giải quyết của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư M'gar, bà Trang tiếp tục có đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị làm rõ. Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ dùng mạng xã hội tung tin thất thiệt ở Đắk Lắk: Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng