Gần đây một số cơ quan báo chí đăng tải về một trường hợp bệnh nhân khi xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã 3 lần được kết quả có dấu hiệu dẫn đến ung thư, nhưng sau đó đi khám ở bệnh viện khác lại cho kết quả khác. Bài học nào cần rút ra?
Theo phản ánh, vào ngày 9/3, bệnh nhân đến Bệnh viện Thu Cúc khám tổng thể, sau khi khám tổng thể, sau đó tiếp tục làm xét nghiệm tầm soát ung thư tại Trung tâm Ung bướu Singapore của Bệnh viện Thu Cúc. Bệnh nhân rụng rời nhận được kết quả chỉ số CA 19-9 (có liên quan tới nguy cơ ung thư tụy mật) lên đến 148,42 IU/ml, cao gấp 4 lần chỉ số thông thường.
Một hội thảo về bệnh ung thư do Bệnh viện đa khoa Thu Cúc tổ chức
Quá hoang mang, lo sợ vì chỉ số cao như trên có thể là biểu hiện của bệnh nhân ung thư, thậm chí là ung thư giai đoạn cuối, bệnh nhân đã yêu cầu bệnh viện kiểm tra lại lần 2 vào ngày 11/03/2017.Lần này, chỉ số giảm xuống đáng kể từ 148,32 IU/ml xuống còn 50,93 IU/ml nhưng vẫn cao ở ngưỡng có thể nguy cơ ung thư.
Kết quả xét nghiệm lần 1 vào ngày 9/3/2017 tại Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc
Kết quả xét nghiệm lần 3 vào ngày 14/3/2017 tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương
Bệnh nhân mặc dù đã được tư vấn nhưng vẫn hoảng loạn nên phía Bệnh viện Thu Cúc cho biết nếu muốn an tâm và biết chính xác hơn thì bệnh viện sẽ gửi mẫu máu sang Singapore với mức chi phí thêm hơn 2,5 triệu đồng, để các chuyên gia bên đó kiểm tra.
Được biết sau đó, dù bệnh nhân không đến lấy mẫu máu nhưng kết quả số liệu từ Bệnh viện Thu Cúc gửi sang Singapore vẫn cho những chỉ số cao.
Xét thấy không ổn, người thân bệnh nhân đã khuyên đi xét nghiệm lại tại Bệnh viện K và Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương – Khoa Sinh Hóa. Thật bất ngờ, kết quả xét nghiệm tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương vào ngày 14/3/2017, chỉ vài ngày sau đó cho kết quả chỉ số CA19-9 chỉ là 31,2, thấp hơn nhiều so với trị số bình thường <35, cho thấy bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh.
Được biết, người hai lần thực hiện các kết quả xét nghiệm vào ngày 9/3/2017 và 11/3/2017 đều là Th.S, BS, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thị Kim Trung, Trưởng khoa Xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa Thu Cúc.
Tuy nhiên, theo nguồn tin tin cậy mà phóng viên ghi nhận được, phía bệnh viện Thu Cúc cho biết không có tư vấn hay thông báo gì về kết luận bệnh nhân mắc bệnh ung thư như một số cơ quan báo chí đăng tải.
Trên trang web https://ungbuouvietnam.com có ghi tên Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc, trong bài viết “Ung thư tuyến tụy, sát thủ thầm lặng” có đoạn: “Ung thư tuyến tụy là một trong số các bệnh ung thư nguy hiểm, được coi là “sát thủ thầm lặng” bởi vì nó gây ra rất ít triệu chứng cho đến khi ung thư lan rộng. Trên thế giới, ung thư tuyến tụy xếp thứ 7 trong số các bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất....Chỉ 4/100 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy có khả năng sống sau 5 năm. Theo các bác sỹ tại Bệnh viện Thu Cúc, ung thư tuyến tụy thường có diễn biến khá âm thầm, nhưng nó có thể gây ra các triệu chứng đáng chú ý khi đã tiến triển...”.
“Hiện nay, Bệnh viện Thu Cúc tại Hà Nội đã hợp tác với các bác sỹ chuyên khoa ung thư giỏi từ Singapore nhằm điều trị đạt hiệu quả tốt nhất cho người bệnh ung thư tại Việt Nam. Bác sỹ chịu trách nhiệm điều trị chính bệnh ung thư tuyến tụy tại đây là TS.BS Zee Ying Kiat (Viện nghiên cứu ung thư, Đại học Quốc gia Singapore). Ngoài chuyên khoa y tế ung thư tổng quát, bác sĩ Zee có sự quan tâm đặc biệt đến các bệnh ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, thực quản, gan, tuyến tụy, đại trực tràng, vv…” – trang web cho biết.
Qua những thông tin và sự việc trên, cho thấy việc xét nghiệm và tầm soát ung thư cần được tuân thủ theo những quy định chuyên môn chặt chẽ. Với bệnh nhân, dù có kết quả xét nghiệm với chỉ số cao nhưng không nên vội hoang mang, tuyệt vọng mà cần hết sức bình tĩnh, phải thông qua nhiều lần kiểm tra, xét nghiệm mới có thể khẳng định bị ung thư hay không. Không nên vội hoang mang khi chưa có kết luận cuối cùng và chính thức của bác sĩ. Với các bệnh viện, công tác tư vấn cũng cần hết sức chặt chẽ, cụ thể, chi tiết, không nên tạo ra sự hoang mang không đáng có cho bệnh nhân.