Thương vụ An Quý Hưng “thâu tóm” Vinaconex: Dấu hỏi lớn về nguồn tiền của An Quý Hưng

Nhóm PV| 03/06/2019 10:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau thương vụ An Quý Hưng bỏ ra hơn 7000 tỷ đồng “thâu tóm” Vinaconex, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi với năng lực tài chính của An Quý Hưng rất khó để có thể trực tiếp đi vay trang trải một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư vào Vinaconex.

Nợ phải trả của An Quý Hưng lên tới…12.000 tỷ

Như Báo Công lý đã đăng tải trong nhiều bài trước, cuối năm 2018, An Quý Hưng đã gây bất ngờ lớn khi trả mức giá gần 7.400 tỷ đồng (cao hơn 2.000 tỷ so với giá khởi điểm) để mua lại 57,7% cổ phần của Tổng công ty Vinaconex (VCG). Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều nhất chính là năng lực tài chính của An Quý Hưng để thực hiện thương vụ này.

Theo số liệu chúng tôi có được, tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của An Quý Hưng tăng vọt lên gần 12.700 tỷ đồng so với con số 1.000 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của An Quý Hưng là "Đầu tư vào công ty con" với 7.600 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản đầu tư vào Vinaconex.

Khoản mục lớn thứ 2 là "Phải thu ngắn hạn khác", đạt xấp xỉ 4.300 tỷ đồng. Do không có thuyết minh chi tiết nên chưa rõ đây là khoản phải thu với đối tượng nào. Thông thường chỉ tiêu này phản ánh các khoản chi hợp tác đầu tư, đặt cọc, chi trả hộ, tạm ứng, cho mượn.

Thương vụ An Quý Hưng “thâu tóm” Vinaconex: Dấu hỏi lớn về nguồn tiền của An Quý Hưng

Bảng giới thiệu về An Quý Hưng có cả tiếng Việt và Trung Quốc

Hai khoản mục trên đã chiếm tới 93% tổng tài sản của An Quý Hưng, phần còn lại chủ yếu là hàng tồn kho, phải thu ngắn hạn của khách hàng. Với vốn chủ sở hữu chỉ đạt xấp xỉ 600 tỷ đồng, phần lớn nguồn vốn của An Quý Hưng là nợ phải trả với hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, An Quý Hưng có nợ ngắn hạn 4.000 tỷ và nợ dài hạn 8.000 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là mặc dù nợ phải trả lớn nhưng vay nợ ngân hàng và các tổ chức/cá nhân của An Quý Hưng không nhiều, với 456 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và 200 tỷ đồng vay nợ dài hạn.

Phần còn lại chủ yếu là "Các khoản phải trả khác" cả ngắn và dài hạn với hơn 11.250 tỷ đồng, trong đó phải trả dài hạn là hơn 7.800 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với số tiền An Quý Hưng đã đầu tư vào Vinaconex.

Tương tự như chỉ tiêu phải thu khác thìchỉ tiêu phải trả khác thường phản ánh các khoản nhận hợp tác đầu tư, nhận đặt cọc, được cho mượn... Với việc năng lực tài chính khiêm tốn và hầu như phần lớn số tiền khủng để mua Vinaconex được "mượn" từ bên ngoài thì nhiều khả năng An Quý Hưng đã đứng ra thực hiện giao dịch này dưới sự ủy thác của một nhóm nhà đầu tư khác.

Tại thời điểm An Quý Hưng trúng đấu giá lô cổ phiếu của Vinaconex, đã có thông tin về việc doanh nghiệp này bán 20 lô đất tại khu đô thị Galeximco Lê Trọng Tấn được gần 200 tỷ đồng để thanh toán tiền mua cổ phần.

Tuy nhiên, số tiền này quá nhỏ so với khoản tiền gần 7.500 tỉ đồng phải trả cho SCIC để sở hữu hơn 255 triệu cổ phần của Vinaconex. Khi nhìn vào bản cân đối kế toán năm 2018 của An Quý Hưng thì thấy, hầu hết số tiền mua cổ phần của Vinaconex không phải là tiền của doanh nghiệp này.

Kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu không thành

Thực tế với năng lực tài chính của An Quý Hưng thì rất khó để doanh nghiệp này có thể trực tiếp đi vay thêm để trang trải một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư vào Vinaconex. Và cách đây ít ngày thì An Quý Hưng cùng công ty con An Quý Hưng Land đã thất bại trong việc huy động 5.300 tỷ đồng trái phiếu khi không tìm được người mua. Số trái phiếu dự định chào bán có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 12%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên và được đảm bảo bằng toàn bộ số cổ phiếu Vinaconex mà An Quý Hưng đang sở hữu.

Mặc dù mức lãi suất khá hấp dẫn nhưng có thể thấy số tiền trả lãi hàng năm cũng đã là một thách thức lớn đối với An Quý Hưng. Giả sử 5.300 tỷ đồng trái phiếu được bán hết thì mỗi năm An Quý Hưng sẽ phải trả lãi 636 tỷ đồng; chưa tính đến những hoạt động khác thì Vinaconex hàng năm phải trả cổ tức tiền mặt ít nhất 25% thì AQH mới đủ tiền trả lãi vay - một tỷ lệ gần như bất khả thi trong tình hình kinh doanh hiện tại.

Thương vụ An Quý Hưng “thâu tóm” Vinaconex: Dấu hỏi lớn về nguồn tiền của An Quý Hưng

 Báo cáo tài chính của An Quý Hưng với nguồn nợ phải trả hàng nghìn tỷ đồng

Bên cạnh đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh, trong năm 2018, lợi nhuận của An Quý Hưng giảm mạnh xuống còn 1 tỷ đồng. Trong năm 2018, doanh thu hoạt động kinh doanh của công ty giảm từ 956 tỷ xuống 653 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng giảm từ 65 tỷ xuống gần 4 tỷ đồng. Hai yếu tố này dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm sâu từ 62 tỷ xuống 1,3 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, bản cân đối kế toán của An Quý Hưng đã nói lên rất nhiều thông tin liên quan đến nguồn tiền bí ẩn mà An Quý Hưng đã sử dụng để mua cổ phần của Vinaconex. Dư luận đặt câu hỏi liệu có cần phải thanh tra, kiểm tra nguồn tiền “bí ẩn”để loại trừ những tình huống vi phạm luật có thể xảy ra trong thương vụ kỳ lạ này, câu hỏi này dành cho các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước.

Trước đây, khi Nhà nước thực hiện đấu giá lô cổ phần gần 1.000 tỷ đồng ở Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), đã có quy chế lựa chọn nhà đầu tư để mua trọn gói, cả lô cổ phần này với điều kiện nhà đầu tư phải có vốn điều lệ lớn hơn giá trị lô cổ phần và chiến lược phát triển công ty, nhằm loại bớt các doanh nghiệp nhỏ thâu tóm Vinamotor để “xẻ thịt”.  Nhưng trong vụ Vinaconex, quy chế bán đấu giá cổ phần của SCIC đã không quy định điều này.

Do quy chế không quy định nhà đầu tư phải chứng minh nguồn vốn nên SCIC cũng chỉ quan tâm đến việc nhà đầu tư nộp đủ tiền mua cổ phần mà không quan tâm đến nguồn tiền nào chủ đầu tư sử dụng để mua lô cổ phiếu này.

Câu chuyện mua bán cổ phần tại Vinaconex đặt ra nhiều vấn đề về việc hoàn thiện thể chế pháp luật để đảm bảo việc mua bán cổ phần nói riêng và hoạt động của thị trường tài chính nói riêng phải được minh bạch. Nếu như dòng tiền rất lớn được sử dụng để mua lại tài sản nhà nước không được kiểm soát, sẽ khó tránh khỏi tình trạng sử dụng những nguồn tiền “không rõ nguồn gốc” để mua lại các công ty nhà nước .

Việc không xác định rõ được nguồn tiền mua cổ phần của SCIC tại Vinaconex cũng dẫn đến không xác định được ông chủ thật sự khiến việc phát triển, hoạch định chiến luợc phát triển công ty gặp nhiều trở ngại.

Báo Công lý tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương vụ An Quý Hưng “thâu tóm” Vinaconex: Dấu hỏi lớn về nguồn tiền của An Quý Hưng