Tân Hiệp Phát “có duyên” với đất vàng bị phong tỏa, kê biên?

Huy Khôi - Quang Nam| 14/04/2018 17:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý từng phản ánh về việc quản lý công sản ở Đà Nẵng với nhiều lô đất vàng liên quan đến đại gia “Vũ Nhôm” đang bị Bộ Công an điều tra. Trong đó, có nhiều dự án và lô đất được cả các đại gia chuyển nhượng giờ đây bỗng dưng gặp hệ lụy pháp lý.

Bộ Công an đã công bố điều tra việc mua, chuyển nhượng 9 dự án và 31 nhà, đất công sản  ở Đà Nẵng, trong đó Vũ “nhôm” có liên quan đến hầu hết các dự án. Cuối năm 2017, UBND TP Đà Nẵng cho biết theo yêu cầu của cấp trên và Bộ Công an nên TP đã có văn bản yêu cầu ngừng giao dịch tài sản liên quan 4 cá nhân: Phan Văn Anh Vũ, Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ và Nguyễn Thị Thu Hiền và yêu cầu kiểm tra, rà soát tất cả bất động sản trên địa bàn liên quan 4 người có tên nêu trên.

Tân Hiệp Phát “có duyên” với đất vàng bị phong tỏa, kê biên?

Một lô đất vàng của Vũ "nhôm" đang bị điều tra

Trong số 9 dự án và 31 bất động sản bị điều tra, đáng chú ý có Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha) 3 tháng trước khi bị phong tỏa, 99% cổ phần của công ty quản lý dự án đã được sang cho  Công ty CP Thương mại đầu tư phát triển Hoàng Huy – một công ty mới được thành lập vào tháng 6/2017 bởi nhóm các cổ đông bao gồm các công ty bất động sản lớn.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà và thanh tra toàn diện đối với dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng thời kỳ 2003- 2016, thậm chí có thể mở rộng điều tra giai đoạn sau.

Mặc dù những lô đất vàng bị phong tỏa, kê biên có thể gây ra nhiều hệ lụy pháp lý nhưng nhiều đại gia vẫn có
“duyên” với việc chuyển nhượng. Tập đoàn Tân Hiệp Phát là một ví dụ. Tại vụ án Phạm Công Danh vừa được xét xử giai đoạn 2 cách đây ít lâu, bà Trần Ngọc Bích (Công ty Tân Hiệp Phát) từng có đề nghị giải tỏa kê biên khu đất hơn 50.000 mét vuông của Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh tại Long Hải - Vũng Tàu. Song tòa xét thấy tài sản này đã bị Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp, sau đó chuyển nhượng cho bà Bích nhưng không đăng ký giao dịch đảm bảo nên tòa sơ thẩm nhận định mảnh đất này không liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, mảnh đất có liên quan đến Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi, hiện đã bỏ sang Mỹ) - là người đã bị tòa sơ thẩm khởi tố vụ án hình sự về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng nếu điều tra thấy mảnh đất này không liên quan đến Phạm Thị Trang thì sẽ được giải tỏa kê biên.

Không dừng ở vụ án Phạm Công Danh, Tân Hiệp Phát còn liên quan đến việc chuyển nhượng một số lô đất vàng dính đến một số nhân vật bị khởi tố khác. Trong đó, có lô đất 12.077m2 tại vệt tuyến đường Bạch Đằng – phía Bắc đường dẫn vào cầu Sông Hàn và lô đất diện tích 1836m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo do ông Phạm Đăng Quan (Phó chủ tịch HĐQ, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Trang) sở hữu vào cuối năm 2016 đã được làm hợp đồng chuyển nhượng cho  Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiêp Phát). Giá chuyển nhượng các lô đất trên theo hợp đồng lên tới hàng trăm tỷ đồng thời điểm chuyển nhượng nhưng vẫn là rất “hời” so với giá thị trường hiện nay.

Cuối năm 2017, sau khi đại gia “Vũ Nhôm” bị khởi tố thì Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên, phong tỏa 44 bất động sản của Công ty Phương Trang, trong đó có 21 bất động sản tại TPHCM, 21 bất động sản tại Đà Nẵng, bao gồm cả hai bất động sản Tân Hiệp Phát chuyển nhượng từ Phương Trang. Theo hồ sơ phóng viên có được, đáng chú ý cả hai thừa đất trên từng được thế chấp nhiều lần tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín, một ngân hàng có rất nhiều dính dáng phức tạp đến đại án Phạm Công Danh và Ngân hàng TMCP Đông Á cùng với việc ông Phan Văn Anh Vũ thế chấp quyền sử dụng đất cho Công ty CP xây dựng 79 do ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT. Riêng lô đất 12.077 m2 ban đầu từng đứng tên vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu trước khi biến động thế chấp qua nhiều đơn vị, trong đó có Công ty Cổ phần  đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang, ông Phan Văn Anh Vũ...

Không dừng lại ở đó, mới đây, sau khi ông Đinh Ngọc Hệ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, thường gọi là “Út Trọc”) bị khởi tố, điều tra thì vừa qua, có tới 8 sổ đỏ đất vàng tại TP Hồ Chí Minh do công ty CP Tập đoàn Đức Bình – một đơn vị có nhiều quan hệ liên quan tới ông Hệ thế chấp vay hàng chục tỷ đồng tại một ngân hàng đã được bán đi.

Một lần nữa, Tập đoàn Tân Hiệp Phát lại ra tay trong thương vụ này. Ngày 10-4 vừa qua, bà Đinh Thị Tuyết Nhung, người chủ sở hữu tài sản đối với 8 sổ đỏ “đất vàng” tạiTP Hồ Chí Minh đã tới ngân hàng làm thủ tục giải chấp 8 tài sản đảm bảo do bà Nhung cho Công ty CP Tập đoàn Đức Bình (thế chấp để vay tiền tại một hợp đồng tín dụng lập năm 2017.

Theo đó, tài sản thế chấp được bảo đảm lên tới hơn 94 tỷ đồng. Tại tờ trình cấp tín dụng của ngân hàng này lập đầu năm 2017, số tiền cấp tín dụng lên tới 80 tỷ đồng, trong đó cấp tín dụng ngắn hạn 30 tỷ đồng, dài hạn 50 tỷ đồng, tài sản thế chấp gồm 8 thửa đất thuộc quyền sở hữu của bà Đinh Thị Tuyết Nhung. Nhưng trong 8 tài sản đó, ngân hàng đã nhận thế chấp 2 tài sản với tổng giá trị 45 tỷ đồng để bảo đảm cho dư nợ hơn 20 tỷ đồng, với tỷ lệ khoảng 45%, phần tỷ lệ 30% còn lại đề xuất bảo đảm cho khoản vay của Công ty Đức Bình lần này. Theo thẩm định của ngân hàng, thời điểm này ông Đinh Ngọc Hùng làm Tổng giám đốc Công ty Đức Bình với 26% tỷ lệ góp vốn công ty, Đinh Ngọc Liên 45%, Vũ Thị Hoa 29% tỷ lệ góp vốn.

Ngày 11-4-2018, bà Trần Uyên Phương,  Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã thanh toán 163 tỷ đồng cho bà Đinh Thị Tuyết Nhung tại ngân hàng nêu trên để chuyển nhượng 8 thửa đất vàng. Đây mới chỉ là một phần tiền trong hợp đồng giao dịch, phần còn lại được biết sẽ được thanh toán sau khi sang tên sổ đỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tân Hiệp Phát “có duyên” với đất vàng bị phong tỏa, kê biên?