Nhiều năm nay, tình trạng đất nông nghiệp của người dân dọc hai bờ sông Lô, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc liên tục sạt lở, nghiêm trọng nhất xảy ra tại các xã như Phương Khoan, Hải Lựu, Đôn Nhân (huyện Sông Lô).
Theo thông tin phản ánh, PV báo Công lý đã vào cuộc và ghi nhận, dòng Sông Lô đang phải “oằn mình” chịu đựng sức tàn phá của những doanh nghiệp được người dân đánh giá là “con cưng” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Cấp giấy phép khai thác tràn lan
Được biết, Sông Lô, chảy qua tỉnh Vĩnh Phúc có 28km đường sông với 10 xã, thị trấn giáp tuyến sông này, nhưng hiện tại đoạn sông Lô thuộc địa bàn huyện Sông Lô quản lý có tới 11 giấy phép của 06 đơn vị doanh nghiệp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp quyền khai thác, nạo vét cát sỏi (chưa tính 04 giấy phép đã hết hạn và hết hiệu lực).
Riêng xã Đôn Nhân có thể coi là trường hợp đặc biệt - địa phương này có 4,8km lòng sông, nhưng mật độ các đơn vị khai thác cát sỏi dày đặc, có tới 6 đơn vị được cấp phép khai thác cát, bao gồm: Cty CP ĐTXD Bắc Ái; Cty Cổ phần & Chế biến Lâm khoáng sản Hoàng Phát; Cty TNHH vận tải và XD Vĩnh Phúc; Cty CP khoáng sản Đông Dương AVA; Cty TNHH Xây dựng & Phát triển hạ tầng Vân Hội, Cty CP Xây dựng & Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội. Thực tế cho thấy, xã Đôn Nhân cũng là một trong những địa phương mà người dân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ nạn sạt lở bờ sông Lô.
Bờ sông Lô sạt lở nghiêm trọng
Cụ thể, trước việc người dân bức xúc, cơ quan chức năng huyện Sông Lô đã tiến hành kiểm tra xử lý. Kết quả kiểm tra xác minh từ thực tế cho thấy, khu vực đất sản xuất nông nghiệp của 3 thôn Đôn Mục, Dân Chủ, Trung Kiên (xã Đôn Nhân) đã bị sạt lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2017, khi tiến hành kiểm tra xác minh đánh giá thực trạng sạt lở đất, cơ quan chức năng đã xác định, phần diện tích đất sạt lở tại xã Đôn Nhân đã lên tới 5000m2. Diện tích bị sạt lở này là đất nông nghiệp quỹ 1 của gần 300 hộ dân trong xã.
Bên cạnh đó, xã Cao Phong, cũng lâm vào tình cảnh tương tự, thậm chí còn “bi đát” hơn khi cơ quan chức năng cũng đo đạc xác định diện tích đất canh tác bị sạt lở qua nhiều năm, tại thời điểm kiểm tra cuối tháng 9 năm 2015 lên tới 6.496m2. Báo cáo của UBND các xã Đôn Nhân, Cao Phong, Phương Khoan… cũng cho rằng, hoạt động khai thác khoáng sản, cát sỏi chính là một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng sạt lở đất bờ sông Lô đoạn chảy qua địa phương.
Bất lực quản lý?
Cấp phép tràn lan là vậy, tuy nhiên các DN được cấp phép khai thác khoáng sản trong quá trình hoạt động lại tỏ ra “khó bảo”, bất chấp các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Cụ thể, qua công tác kiểm tra xử lý, một lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc cho biết: "Các DN không đảm bảo đúng thời gian khai thác đã cam kết với chính quyền địa phương; không thả phao định vị xác định rõ ranh giới điểm mỏ được cấp phép; không gắn biển công ty trên các phương tiện khai thác khoáng sản để tiện cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và nhân dân".
Mật độ tàu khai thác cát trên tuyến sông Lô qua Vĩnh Phúc dày đặc đang nằm chờ “ăn hàng”
Được biết, trong quá trình kiểm tra thực tế, các cơ quan chức năng của huyện Sông Lô cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định “cốt” khai thác của các đơn vị được cấp phép khai thác cát. Nguyên nhân là do địa hình sông nước, UBND huyện Sông Lô không có phương tiện kiểm tra độ sâu khai thác. Mặt khác, các điểm mốc độ cao tại các điểm cấp phép khai thác cho các đơn vị khai thác cát sỏi không có, do vậy các lực lượng chức năng của huyện không có cơ sở để tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Ở góc độ là đơn vị quản lý đê điều, ông Nguyễn Đức Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc trả lời báo chí cho rằng: “Hầu hết các chủ DN khai thác cát không báo cáo số lượng tàu khai thác, không báo cáo và đăng ký tạm trú cho các công nhân làm việc trên tàu… điều này gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương về mặt quản lý và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.
“Các doanh nghiệp không chịu thực hiện đúng theo pháp luật quy định khiến việc kiểm tra và xử lý rất khó khăn. DN được cấp phép khai thác, nhưng khi sự cố xảy ra, họ đều nói là khai thác đúng mốc giới, đúng quy định, nhằm rũ bỏ trách nhiệm bồi thường. Đáng lẽ ra khi được cấp phép, DN cũng phải có trách nhiệm đảm bảo, bảo vệ khu vực mỏ của mình để không cho những tàu khai thác trái phép hoạt động, để đảm bảo không xảy ra tình trạng sạt lở” - ông Nguyễn Đức Sinh cho biết.
Với kiểu cấp phép “chồng chất” trên khúc sông ngắn, cùng với kiểu quản lý kiểu “bất lực” trôi theo dòng chảy của chính quyền, thì số diện tích sạt lở không chỉ dừng ở con số các cơ quan chức năng đã báo cáo mà thực tế còn được thể hiện cấp số nhân nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về diện tích sạt lở cùng với nhân dân huyện Sông Lô?
(Còn tiếp)