Huyện Kiến Xương - Thái Bình: Quyết định thu hồi sổ đỏ gây tranh cãi

PV| 16/08/2018 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ban hành nhiều quyết định trùng lắp để thu hồi sổ đỏ nhưng sau đó hơn 6 tháng thấy “không ổn” lại tiếp tục ban hành quyết định thu hồi để thay thế. Tuy nhiên cả 3 quyết định thu hồi đều nêu căn cứ không có trong Luật Đất đai khiến người dân bức xúc.

Quyết định… chồng quyết định

Ngày 20/5/2014, UBND huyện Kiến Xương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) số K 774029 cho ông Trần Quốc Việt cùng vợ là bà Đào Thị Dung trú tại khu Văn Khôi, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nguồn gốc đất ở và tài sản xây dựng trên đất được cấp sổ đỏ là của cụ Trần Văn Thiệu và cụ Trương Thị Lý (bố mẹ đẻ ông Việt ) sinh sống tại đây nhiều đời để lại, đã phân chia cho các con. Việc cấp sổ đỏ nằm trong kế hoạch thực hiện dự án Vlap mà địa phương này triển khai.

Đến ngày 9/6/2017, UBND huyện Kiến Xương ban hành đồng thời 2 quyết định cùng số 996/QĐ-UBND để thu hồi số đỏ số K 774029 của vợ chồng ông Việt. Tại các quyết định này, UBND huyện còn đồng thời thu hồi sổ đỏ mang tên bà Trương Thị Chắt (con dâu cụ Thiệu). Lý do thu hồi đất được ghi trong các quyết định này: “vì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai hộ gia đình, cá nhân nêu trên tại các thời kỳ trước đây không đúng quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Huyện Kiến Xương - Thái Bình: Quyết định thu hồi sổ đỏ gây tranh cãi

Đất đã được cấp sổ đỏ nhưng sổ đỏ bị thu hồi 

Tuy nhiên, 6 tháng sau đó, thấy “không ổn” nên UBND huyện Kiến Xương một lần nữa ban hành Quyết định số 2180/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 tiếp tục thu hồi những sổ đỏ kể trên với cùng lý do như đã nêu trong các quyết định cùng số 996. Điều 3 của Quyết định 2180 nêu lý do thay thế vì cả hai quyết định 996 cùng ngày 9/6/2017 và do có nội dung ghi số sê ri “là số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Cần giải quyết đúng pháp luật

Trong đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan có thẩm quyền, ông Trần Quốc Việt cho rằng quy trình cấp sổ đỏ là do cơ quan có thẩm quyền ban hành và thực hiện. Là người dân, ông chỉ biết chấp hành việc kê khai, thực hiện theo quy định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Nếu cơ quan có thẩm quyền làm sai thì không thể bắt người dân phải chịu. Hơn nữa, việc thu hồi sổ đỏ của gia đình ông là hoàn toàn trái pháp luật đất đai nên ông không chấp nhận và khiếu nại đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh hủy bỏ.

Về lý do thu hồi được nêu ra trong 3 quyết định của UBND huyện đã thu hồi, ông Việt phản đối cho rằng đó là căn cứ “trên trời”. Còn Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) thì khẳng định đó là căn cứ không đúng pháp luật. Bởi lẽ, việc thu hồi sổ đỏ được quy định rất cụ thể tại Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 mà cụ thể là tại điểm d, khoản 2: “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai...”

Đất ở và công trình xây dựng mà UBND huyện Kiến Xương cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Trần Quốc Việt là đúng thẩm quyền, là đất thổ cư của cha mẹ để lại, phân chia cho các con, đủ điều kiện được cấp sổ đỏ, sử dụng để sinh sống. Ngoài Điều 106, trong Luật Đất đai năm 2013 không có điều khoản nào khác quy định Nhà nước thu hồi sổ đỏ, lại càng không có quy định thu hồi sổ đỏ trong trường hợp “không đúng quy trình” mà UBND huyện Kiến Xương lấy làm căn cứ.

Hơn nữa, Điều 106 Luật Đất đai cũng quy định rõ việc thu hồi sổ đỏ đối với những trường hợp kể trên được tiến hành “sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai”. Trong trường hợp cụ thể này, từ năm 2105 đã có tranh chấp ngõ đi chung giữa gia đình ông Việt và hộ liền kề. Nhưng vụ việc này mới dừng lại ở việc UBND thị trấn giải quyết ban đầu nhưng đến nay chưa có kết quả.

Theo quy định của luật đất đai, tranh chấp đất đai đã được cấp sổ đỏ thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án. Tuy nhiên, vụ việc này chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án tức chưa có văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai (ngõ đi chung).

Vấn đề này, chính Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Kiến Xương đã có quan điểm tại Công văn số 54/CV-TNMT, trong đó nêu “tranh chấp đất đai nói trên là thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân”. Cho nên việc UBND huyện Kiến Xương ban hành quyết định thu hồi sổ đỏ của ông Trần Quốc Việt khi tranh chấp ngõ đi chưa giải quyết là không đúng quy định của pháp luật.

Một vấn đề khác cũng cần được xem xét là quyết định cá biệt của UBND huyện Kiến Xương lại đồng thời thu hồi sổ đỏ của hai hộ gia đình, cá nhân khác nhau là “hy hữu”.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thái Bình cần xem xét tính hợp pháp trong việc thu hồi sổ đỏ của gia đình ông Trần Quốc Việt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Kiến Xương - Thái Bình: Quyết định thu hồi sổ đỏ gây tranh cãi