Đà Lạt, Lâm Đồng: Tài sản đang tranh chấp vẫn giao dịch, chuyển nhượng

Trang Nhi - Nguyễn Cường| 14/07/2020 09:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Căn biệt thự 2 triệu đô (USD) trên đường Pasteur, phường 4, TP Đà Lạt mặc dù đang là tài sản tranh chấp nhưng vẫn được giao dịch, chuyển nhượng. Vụ việc có nhiều đơn thư kiến nghị. Dự kiến trong tháng 7/2020, TAND tỉnh Lâm Đồng sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm.

Ngày 20/11/2019 TAND thành phố Đà Lạt  đã xét xử sơ thẩm vụ án số 154/2017/TLST-DS về việc “Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa các đương sự: nguyên đơn là ông Nguyễn Việt Anh và bà Nguyễn Quỳnh Chi, bị đơn là Công ty TNHH Tiền Tài (số 115, thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Theo nội dung vụ án, căn biệt thự 458,31m2 thuộc thửa số 271 tại đường Pasteur, phường 4, Thành phố Đà Lạt do Công ty TNHH Tiền Tài, Giám đốc là bà Bùi Thị Mừng đã nhận chuyển nhượng ngày 16/12/2016. Sau đó Công ty Tiền Tài tiếp tục thỏa thuận chuyển nhượng cho vợ chồng ông Việt Anh, bà Quỳnh Chi với giá 10 tỷ đồng (khoản tiền này đã được chuyển khoản cho Công ty Tiền Tài).

Đà Lạt, Lâm Đồng: Tài sản đang tranh chấp vẫn giao dịch, chuyển nhượng

Căn biệt thự trên đường Pasteur

Đến tháng 01/2017, bà Mừng lại đề nghị gia đình bà Quỳnh Chi chuyển nhượng lại căn biệt cho mình với giá 40 tỷ đồng với thỏa thuận thanh toán trong thời hạn 6 tháng để bà Mừng có thời gian tìm người mua.

Ngày 12/1/2017, các bên đến Văn phòng công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng. Sau khi ký kết, vợ chồng ông Việt Anh giao lại toàn bộ tài sản, giấy tờ nhà đất cho bà Mừng để làm thủ tục sang tên lại cho Công ty Tiền Tài. Ngày 26/1/2017 hai bên tiếp tục viết giấy bán đất để xác nhận Công ty Tiền Tài chưa trả số tiền 40 tỷ và bên mua cam kết sẽ trả hết trong thời hạn 6 tháng, trước ngày 30/7/2017.

Hết ngày 30/7/2017, Công ty Tiền Tài vẫn không thực hiện đúng cam kết. Ngày 5/8/2017, công ty này đã tự nguyện ký biên bản bàn giao tài sản cho vợ chồng bà Chi. Bà Bùi Thị Mừng cũng không thực hiện việc chuyển nhượng sang tên lại nhà và đất trên cho vợ chồng bà Quỳnh Chi như cam kết.

Tháng 10/2017, gia đình bà Quỳnh Chi khởi kiện Công ty Tiền Tài ra TAND TP Đà Lạt đề nghị công ty này phải thực hiện thủ tục sang tên nhà và đất trên cho vợ chồng bà với sự tham gia của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Lâm Đồng. Tuy nhiên, trong lúc tòa án đang thụ lý, giải quyết thì Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản của Ngân hàng Quân đội, nơi Công ty Tiền Tài thế chấp căn nhà và đất trên đã ra thông báo xử lý tài sản, vào ngày 9/3/2018.

Tiếp đó, ngày 26/6/2018, Công ty Tiền Tài do bà Mừng đại diện đã ủy quyền cho Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản bán căn biệt thự đang thế chấp để lấy tiền trả nợ cho ngân hàng.

Ngày 19/7/2018, bà Mừng đại diện Công ty Tiền Tài và ông Hà Duy Ý, chuyên viên của ngân hàng đã chuyển nhượng quyền sử dụng căn nhà và đất trên cho bà Nguyễn Thị Thanh An (trú tại đường Hoàng Diệu, phường 5, TP Đà Lạt) với giá 15,4 tỷ đồng, trong khi thửa đất này bà Chi đang khởi kiện ra tòa để đòi lại.

Theo bà Quỳnh Chi trình bày, ngoài thỏa thuận về số tiền chuyển nhượng ngày 26/01/2017, hai bên còn xác lập Biên bản họp ngày 29/3/2017 về việc thỏa thuận hủy bỏ giao dịch mua bán ngày 12/01/2017 và Biên bản bàn giao ngày 05/8/2017 về việc tự nguyện bàn giao căn biệt thự, cam kết sẽ làm thủ tục sang tên lại cho vợ chồng bà quản lý, sử dụng. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn đã căn cứ vào các thỏa thuận để đề nghị Tòa án buộc Công ty Tiền Tài phải làm thủ tục sang tên lại căn biệt thự cho vợ chồng bà Chi.

Xét xử sơ thẩm, TAND Thành phố Đà Lạt buộc Công ty Tiền Tài thanh toán cho gia đình bà Quỳnh Chi số tiền 40 tỷ và 8,4 tỷ tiền lãi chậm trả. Đồng thời, HĐXX cũng công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất giữa Công ty Tiền Tài và bà An.

Trước phán quyết của HĐXX cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng của Công ty Tiền Tài và bà An đã có nhiều ý kiến về việc xác định hợp đồng này có ngay tình hay không? Cụ thể, Toà án cấp sơ thẩm cho rằng mặc dù tài sản chuyển nhượng đang có tranh chấp của nguyên đơn, nhưng các bên tham gia giao dịch chuyển nhượng là Ngân hàng MB, bà An và Công ty Tiền Tài đều không có ý kiến yêu cầu gì nên không đề cập. Do vậy, nguyên đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là không có căn cứ chấp nhận. Đồng thời, Ngân hàng Quân đội tiến hành thu hồi nợ là có căn cứ, tài sản chuyển nhượng là hợp pháp.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Khắc Hân (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Do hai bên đã có thỏa thuận về việc sau 6 tháng nếu không thanh toán đủ 40 tỷ thì Công ty Tiền Tài phải trả lại vợ chồng bà Chi căn biệt thự (thể hiện tại Biên bản họp ngày 29/3/2017 và Biên bản bàn giao ngày 05/8/2017 mà hai bên đã xác lập).

“Bản chất giao dịch chuyển nhượng nhà đất từ vợ chồng bà Chi sang cho Công ty Tiền Tài là một giao dịch dân sự có điều kiện hủy bỏ và thực tế điều kiện hủy bỏ đó đã chính thức xảy ra. Vì đây là thỏa thuận tự nguyện hợp pháp của bên mua và bên bán trong giao dịch này nên HĐXX cấp sơ thẩm không xem xét toàn diện các thỏa thuận đã xác lập giữa hai bên để giải quyết triệt để tranh chấp mà chỉ công nhận thỏa thuận tại Giấy bán đất ngày 26/01/2017 là chưa thỏa đáng" – Luật sư Hân nêu quan điểm.

Dự kiến đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án này sẽ diễn ra trong tháng 7/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Lạt, Lâm Đồng: Tài sản đang tranh chấp vẫn giao dịch, chuyển nhượng