Sau 2 năm nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tạo hình tai nhỏ bằng sụn sườn tự thân chỉ với duy nhất một lần phẫu thuật với sự hỗ trợ của nội soi.
Đây là một trong những kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Đến nay mới chỉ có 1-2 trung tâm trên thế giới có thể tiến hành một cách thường quy kỹ thuật này.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, dị tật vành tai, tai nhỏ, có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tai nạn mất tai hoặc bỏng. Di tật tai nhỏ bẩm sinh (microtia) có thể chia làm 4 độ, từ không có một phần hay toàn bộ vành tai (anotia).
Bệnh lý này tuy không nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng có thể để lại ảnh hưởng lớn về mặt thẩm mỹ và tâm lý, nhất là đối với trẻ em trong lứa tuổi trước đến trường.
Bệnh nhân có tai đẹp mà không để lại đường sẹo sau phẫu thuật tạo hình
Cho đến nay trên thế giới thường có 2 phương pháp tạo hình vành tai phổ biến. Phương pháp thứ nhất được thực hiện từ khoảng 50 năm trở lại đây là tạo hình vành tai bằng sụn sườn tự thân. Các phẫu thuật viên sẽ phải sử dụng sụn sườn 6,7,8,9 lấy khỏi lồng ngực và điêu khắc lại thành khung sụn hình vành tai. Sau đó chôn khung sụn này xuống dưới da vùng tai rồi chờ 6-12 tháng cho sụn sống tốt thì sẽ phẫu thuật lần 2 để dựng vành tai.
Phương pháp mới hơn là tạo hình vành tai bằng khung sụn nhân tạo giống như san hô và giúp bệnh nhân chỉ cần trải qua duy nhất một lần phẫu thuật rất sớm ngay từ khi trẻ mới 4-5 tuổi, trước khi đi học và kết quả thẩm mỹ hơn hẳn các phương pháp khác.
“Cho đến nay phương pháp tạo hình tai bằng sụn nhân tạo có nhiều ưu điểm nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là khung sụn nhân tạo rất đắt tiền và chưa được bảo hiểm y tế chi trả như các loại vật tư y tế kỹ thuật cao khác như khớp háng, khớp gối nhân tạo. Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam thì không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để mua được khung sụn tai nhân tạo về thực hiện phương pháp này cho con em mình”, BS Hà cho hay.
Từ những điều suy tư này, nhằm giúp cho nhiều gia đình có con nhỏ bị mắc bệnh này bẩm sinh, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã đã cải tiến kỹ thuật và áp dụng thành công phương pháp mới tạo hình tai nhỏ một thì bằng sụn sườn tự thân với sự hỗ trợ của phẫu thuật nội soi.
Phương pháp mới này cho kết quả gần tương tự như với phương pháp làm sụn nhân tạo nhưng giá thành lại giảm hơn nhiều so với phương pháp làm sụn nhân tạo.
Theo PGS Nguyễn Hồng Hà, trong kỹ thuật này, các bác sĩ vẫn sử dụng sụn sườn của chính bệnh nhân để làm thành khung tai. Nhưng thay vì phải chôn khuôn dưới da để chờ 1 năm sau mới tiến hành phẫu thuật lần 2 thì các bác sĩ Việt Nam đã sử dụng ngay vạt cân thái dương nông để che phủ khung sụn tự thân này. Chỉ với duy nhất 1 lần phẫu thuật các bệnh nhân đã có thể có được một vành tai mới gần như bình thường.
Việc tích hợp ưu điểm của cả 2 phương pháp phẫu thuật thịnh hành nhất trên thế giới đã tạo ra một cơ hội mới cho các các bệnh nhân trong điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn có thể sử dụng các kỹ thuật cao hiện đại nhất nhì thế giới trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ.