Đến Bệnh viện E, nhắc đến bác sĩ Nguyên, bất kể ai cũng đều tự hào, ngưỡng mộ bởi anh không chỉ giỏi về chuyên môn, thân thiện vui vẻ với đồng nghiệp, ân cần với bệnh nhân mà anh còn là thủ lĩnh đội quân tiên phong của Bệnh viện E tham gia hỗ trợ TP.HCM chống dịch những ngày đầu căng thẳng.
42 ngày đêm chiến đấu, ngày trở về đôi mắt in hằn cuồng thâm vì mất ngủ, mái tóc đã điểm những sợ bạc, thế nhưng trên môi anh vẫn luôn nở nụ cười. Anh tâm sự: “Đi qua những ngày dịch ác liệt của dịch bệnh, chúng ta mới biết trân quý những khoảng khắc đời thường”.
Ngay sau khi virus SARS-CoV-2 “đặt chân” đến Việt Nam, các y bác sĩ ở nhiều bệnh viện đã được tập huấn cách mặc áo bảo hộ, sử dụng phương tiện phòng hộ, sát khuẩn, thay găng tay, đặc biệt là cách xử lý sau khi tiếp xúc với F0 để hạn chế tối đa lây nhiễm Covid-19.
Dẫu được tập huấn kỹ lưỡng, nhưng lý thuyết lại khác xa thực tế “vạn dặm”. Đợt dịch thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba liên tục đổ về dải đất hình chữ S, cả nước chính thức lâm trận chống dịch bệnh Covid-19.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cùng với cả nước, đoàn công tác của Bệnh viện E chi viện cho TP.HCM đã vượt qua những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh để ngày đêm đồng hành cùng bệnh nhân chiến thắng dịch bệnh.
Đoàn công tác do TS.BS Phan Thảo Nguyên - Phó Giám đốc Bệnh viện E làm trưởng đoàn đã trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Bệnh viện này được Sở Y tế TP.HCM thành lập dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Bộ Y tế trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khi ổ dịch ở TP.HCM bùng phát ngày một lớn.
Là những người đầu tiên tham gia xây dựng bệnh viện dã chiến, đoàn công tác của BS Nguyên đã kết nối đội ngũ y bác sĩ đến từ các bệnh viện khác để cùng nhau làm việc. Không hẹn mà gặp, nhưng ai nấy đều nhiệt huyết và tận tâm với công việc.
Những ngày đầu bệnh viện mới thành lập, gian truân nhiều vô kể, không ai có thể hình dung được một bệnh viện hồi sức mà hệ thống y tế luôn trong tình trạng quá tải. Ai mới vào đây cũng giật mình, nhiều đồng nghiệp còn ví von đây là "Vũ Hán thứ 2".
Được biết, đoàn công tác của Bệnh viện E được phân 1 tầng hồi sức 2B, đa phần bệnh nhân đến với tầng này phải thở oxy, suy hô hấp rất nặng. Để giành giật sự sống, bệnh nhân phải sử dụng tất cả các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất như: máy thở, lọc thận... Thế nhưng, số bệnh nhân vào viện ngày càng tăng, thiết bị máy móc, vật tư y tế không thể đáp ứng đủ.
Với công suất làm việc của y bác sĩ cũng như trang thiết bị hiện có chỉ đáp ứng được từ 500-540 bệnh nhân nhưng bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng hơn 1000 bệnh nhân.
“Một tháng trời làm việc luôn trong tình trạng quá tải, tuy nhiên, anh em động viên nhau tăng giờ làm. Nhưng thiết bị máy móc, vật tư y tế thực sự rất khó khăn trong lúc này. Bởi vậy bản thân mỗi y bác sĩ trong kíp trực phải sát sao với bệnh nhân, nếu bệnh nhân không may bị tuột ống HFLC (thở oxy dòng cao) hoặc tuột ống nội khí quản chỉ 1 phút sau ngừng tim mọi diễn biến rất nhanh và có thể tuột mất bệnh nhân ngay trong tích tắc”, BS Nguyên trầm ngâm.
Khựng lại một lúc, BS Nguyên ngập ngừng nói: “Thế nhưng nhiều hôm cả đoàn vẫn rơi vào tuyệt vọng. Khoa đang điều trị cho 50 bệnh nhân, thì trong một ngày đã tử vong mất một nửa. Lúc đó, anh em tôi khủng hoảng, stress tinh thần vô cùng lớn. 20 năm gắn bó với ngành y, trải qua nhiều ca phẫu thuật khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi phải chứng kiến được cảnh tang thương, chết chóc nhanh đến thế”.
Cũng chính từ những áp lực đó, nhiều hôm đêm về, anh và đồng nghiệp của anh phải sử dụng thuốc dạ dày.
42 ngày làm việc tại bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày, BS Nguyên và đồng đội của mình đều làm việc 8-12 tiếng đồng hồ liên tục trong bộ đồ bảo hộ. 42 ngày đó, chưa một ngày nào họ được ăn cơm đúng giờ bởi hết ca trực, cơm canh đã nguội ngắt.
Để kịp giờ lên xe về chỗ ở, cả đoàn lại vội vàng tắm rửa, sát khuẩn. Về đến nơi nghỉ, phòng nào biết phòng đó, dẫu cùng một đoàn nhưng được chia ra nhiều kíp trực, bởi vậy họ gặp nhau chỉ những giờ giao ca, nhưng chẳng ai kịp hỏi han gì nhau đã phải đi.
Theo BS Nguyên, hàng ngày mọi người đã tiếp xúc với rất nhiều F0 nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Nếu một người trong đoàn không may bị nhiễm có thể lây cho nhau cả đoàn.
Chính vì tuân thủ nghiêm các quy định sau mỗi ca trực, nên thành công lớn nhất của đoàn là không ai bị nhiễm
BS Phan Thảo Nguyên
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, hạn chế tiếp xúc không cần thiết, cả đoàn đã tự giặt quần áo. Tuy nhiên, do hạn chế chỗ phơi bởi vậy quần áo phơi lâu không khô bị ẩm mốc. Đến bây giờ BS Nguyên vẫn bị ám ảnh bởi mùi mốc quần áo.
Anh kể: “Hôm đó, tôi đã hỏi bác sĩ ở cùng phòng có ngửi thấy mùi hôi, khó chịu không? Cậu ấy nói cháu tịt mũi 2 ngày hôm nay rồi, tôi giật mình vì mất khứu giác là triệu chứng đầu tiên của Covid-19. Ngay trong đêm cả đoàn đã phải test nhanh, may kết quả âm tính.
Vừa an tâm một chút, tôi nhớ ra trước khi đi đã mang rất nhiều dầu cao con hổ. Lúc đó, tôi đã lôi trong balo ra và đi phát cho mọi người. Dặn dò ngày nào cũng bôi để kiểm tra khứu giác, để biết mình còn sống”.
42 ngày tại bệnh viện dã chiến, số điện thoại của BS Nguyên được bệnh nhân truyền tay nhau để gọi điện nhờ tư vấn thuốc và cách điều trị tại nhà. Vào một buổi sáng, BS Nguyên nhận được điện thoại từ một đồng chí công an trong tình trạng tuyệt vọng.
“Qua điện thoại tôi được biết, bố đồng chí vừa mất vì Covid-19, bệnh viện cũng không thể nhận mẹ, cả nhà ai cũng dương tính. Nghe lời khẩn cầu của đồng chí công an, tôi thật sự nghẹn ngào, vừa động viên cậu ấy bình tĩnh, vừa hướng dẫn cách ly mọi người và nhắn đơn thuốc cho cậu ấy.
Sau 7 ngày điều trị tại nhà, các triệu chứng đã giảm dần, đồng chí công an gọi điện cho tôi hỏi hướng dẫn thuốc cho những ngày tiếp theo. Đến 2 tuần sau, đồng chí báo tin cả nhà đã khỏi, cũng từ đơn thuốc đó, cậu ấy đã cứu được thêm 20 người nữa. Thực sự lúc đó, tôi xúc động vô cùng”, BS Nguyên nghẹn ngào kể lại.
Kết thúc 42 ngày ròng rã chiến đấu, đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ. Lúc chia tay, được nghe thông tin từ lãnh đạo bệnh viện và Bộ Y tế về việc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cứu sống nhiều người bị nặng nhất. Đồng thời, tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các bệnh viện khác - là điểm sáng của Bộ Y tế, ai nấy đều mừng vô cùng.
“Trước đó, đội ngũ y bác sĩ có chung một mong ước là sớm giải thể bệnh viện này. Bởi đây là một chiến trường, chúng tôi trực tiếp chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của Covid-19, bất kể một y bác sĩ nào đã đến đây sẽ không bao giờ quên được”, BS Nguyên khẳng định.
Khi được Bộ Y tế cử vào giữa lúc dịch bùng phát khắp miền Nam, đã có lúc Bộ Y tế có ý định cử đoàn công tác xuống Đồng Tháp để hỗ trợ, thế nhưng nhìn cảnh thực tế của TP.HCM lúc đó số bệnh nhân ngày một tăng, BS Nguyên đã chủ động nói với Sở Y tế TP.HCM: Mặt trận TP.HCM lúc này là khốc liệt nhất và anh em đoàn chúng tôi quyết tâm ở lại cùng đồng đội các bệnh viện khác quyết tâm xây dựng bệnh viện Hồi sức Covid-19 với hơn 1000 giường bệnh.
“Từ quyết định đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã rất cảm động và đánh giá cao quyết định của đoàn chúng tôi”, BS Nguyên nói.
Đi qua những ngày khốc liệt của đại dịch, mới thấy tình thương đồng bào, sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu. Họ đã và đang ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân mắc Covid-19 giữa ranh giới sự sống và cái chết mà quên đi bản thân mình cũng đang phải đương đầu với hiểm nguy vô hình rình rập đêm ngày.
Nội dung: Ngô Chuyên
Trình bày: Thảo Nguyên