Hàng năm cứ khi mùa mưa đến, hàng chục hộ dân sinh sống thuộc khu vực khóm 7, phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) phải đối diện với nhiều bất tiện, khó khăn bởi hơn 20 năm qua khu vực này không có tuyến đường giao thông phục vụ nhu cầu đi lại sinh hoạt, học tập và lao động sản xuất.
Theo phản ánh của người dân, tuyến đường trên có chiều dài 3.000m nối liền giữa khóm 7 và khóm 8 (phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), đây là tuyến đường chỉ cách trung tâm phường Láng Tròn khoảng 3km, có 24 hộ gia đình sinh sống (trong đó có 2 hộ dân tộc Khmer, 01 hộ gia đình thương binh Đảng viên 50 năm tuổi Đảng).
Hiện trạng tuyến đường là đường đất do người dân thuê cơ giới san phẳng để tạo lối đi, phía dưới là dòng sông rộng khoảng 25m chạy song song với tuyến đường đất. Đã hơn 20 năm nay, các hộ dân sinh sống trên tuyến đường này mong mỏi một con đường bê tông để thuận tiện đi lại, tăng gia sản suất nhưng đến hiện tại vẫn chưa có.
Người dân sinh sống trên tuyến đường đất này gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại và sản xuất, đặc biệt vào mùa mưa. Phương tiện lưu thông chủ yếu của các hộ dân sống trên tuyến đường này là xuống bè và vỏ lãi, với những gia đình khó khăn thì chủ yếu là đi bộ.
Vào mùa mưa, việc đưa đón các cháu nhỏ đến trường gặp rất nhiều bất cập. Nhiều cháu thường xuyên không kịp thời gian đến lớp, nhiều vụ chìm xuồng, vỏ lãi xảy ra trong thời gian qua gây tâm lý lo sợ cho các cháu học sinh khi đến trường.
Chị Nguyễn Thị Thơm (ngụ khóm 7, phường Láng Tròn) cho biết, chị về sinh sống tại địa phương đã gần 15 năm và từ đó tới nay vẫn chưa có tuyến đường giao thông đi lại. Vào mùa mưa, hai con đang học cấp 1 của chị thường xuyên phải đi bộ đi học.
“Hiện nay, việc đi lại trong vùng vô cùng khó khăn. Mỗi khi có người ốm đau, bệnh tật, việc di chuyển đến nơi khám chữa bệnh rất bất tiện, mất nhiều thời gian, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, sớm đầu tư tuyến đường giao thông để bà con thuận tiện đi lại”, chị Thơm đề nghị.
Ông Trương Vĩnh Thái ngụ khóm 7, phường Láng Tròn chia sẻ: "Do không có tuyến đường giao thông, mỗi ngày tôi phải mất 4 lượt đưa đón con đi học bằng vỏ lãi. Việc đi và về vừa tốn thời gian, vừa tốn kém vì sử dụng vỏ lãi cần nhiều xăng dầu, trong khi kinh tế gia đình tôi còn khó khăn. Chưa kể đến vào vụ thu hoạch lúa, chúng tôi thường bị thương lái ép giá vì đường khó đi, ít phương tiện thu mua".
Ông Phan Văn Vĩnh, khóm 7, phường Láng Tròn cho biết, năm 2021, ông và các hộ dân trong vùng đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét, khảo sát làm đường để bà con đi lại, nhưng chưa nhận được phản hồi của địa phương.
"Đầu tháng 7/2022, phường Láng Tròn có tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc làm đường với chủ trương là Nhà nước và nhân dân cùng làm theo tỷ lệ 7/3. Tuy nhiên, đa số người dân trong khu vực đều nghèo, điều kiện sinh hoạt hàng ngày đã khó khăn thì lấy tiền đâu ra để làm đường”, ông Phan Văn Vĩnh nói.
Phóng viên đã liên hệ và gặp ông Ngô Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai để trao đổi thông tin. Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, vừa qua UBND thị xã Giá Rai có thành lập đoàn kiểm tra khảo sát thực tế tuyến đường trên, qua đây đoàn công tác ghi nhận phản ánh của bà con là đúng thực tế.
“Tại chuyến đi khảo sát thực tế, nghe ý kiến bà con, bản thân tôi vô cùng chia sẻ với khó khăn của người dân nơi đây. Tuy nhiên, do tuyến đường trên không nằm trong kế hoạch phân bổ vốn trung hạn nguồn ngân sách thị xã giai đoạn 2021-2025, do đó nếu để đầu tư xây dựng tuyến đường theo chuẩn nông thôn mới cho khu vực trên (dự kiến 6 tỷ bao gồm đường và cầu) thì ngân sách địa phương không đảm bảo”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai thông tin.
Khi phóng viên đặt câu hỏi dựa trên nguyện vọng của người dân là chỉ cần làm tạm tuyến đường bề ngang khoảng 1m để cho việc di chuyển bằng xe máy được thuận tiện, Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, trước nhu cầu chính đáng của người dân khu vực khóm 7, dự kiến trong cuộc họp Thường trực UBND thị xã sắp tới, vấn đề này sẽ được đưa ra bàn bạc và thống nhất trình Thường trực Thị ủy để tìm các nguồn vận động xã hội hóa. Nếu được sẽ tạo điều kiện tạm thời đầu tư tuyến đường có quy mô nhỏ để bà con có thể đi lại thuận tiện trong mùa mưa.
20 năm mòn mỏi chờ đợi một con đường là khoảng thời gian rất dài của những hộ dân nơi đây, bởi lẽ nhu cầu được đi lại thuận tiện là nhu cầu chính đáng của người dân. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần sớm tạo điều kiện, hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông để cho việc học tập, lao động sản xuất được thuận lợi.
Đồng thời, việc đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn xuyên suốt sẽ góp phần nâng cao vị thế, để thị xã Giá Rai đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn trở thành thành phố đúng với tinh thần Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI) về xây dựng thị xã Giá Rai trở thành thành phố vào năm 2025.