Ngày 4/6, TAND Quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã tuyên án vụ kiện dân sự “Yêu cầu tiếp tục cung ứng dịch vụ; Đòi lại tiền cọc và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Tuấn và bị đơn là Cty CP KinderWord Việt Nam.
Theo nội dung đơn khởi kiện, ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1970, trú Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) có con trai là cháu N.X.B (SN 2013) theo học tại Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (chi nhánh Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam) từ cấp mẫu giáo và cháu B. chuẩn bị lên cấp tiểu học.
Ngày 26/5/2019, ông Tuấn đăng ký văn bản về cung cấp dịch vụ giáo dục do phía nhà trường soạn sẵn để nhập học cho cháu B. Trong văn bản, có nội dung đề cập đến các khoản phí bắt buộc gồm phí đặt cọc 8 triệu đồng và học phí 220 triệu đồng/năm.
Không đồng ý với khoản phí đặt cọc của nhà trường đưa ra, ngày 30/5/2019 ông Tuấn đã có đơn khiếu nại gửi tới UBND TP Đà Nẵng, Sở giáo dục và đào tạo TP Đà nẵng, Thanh tra sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà nẵng để khiếu nại về khoản phí đặt cọc này.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử.
Đến ngày 24/7/2019, nhà trường ra thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu B. nếu ông Tuấn không chấp nhận khoản tiền đặt cọc này, đồng thời yêu cầu ông làm đơn xin rút tiền để nhận lại số tiền ông Tuấn đã nộp tiền học phí và phí đặt cọc cho cháu B. trước đó.
Nguyên đơn đề nghị tòa xem xét buộc bị đơn tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu B. trong năm học 2019- 2020; hoàn trả tiền phí đặt cọc 8 triệu đồng; bồi thường thiệt hại số tiền 299 triệu đồng do hành vi ngưng cung cấp dịch vụ giáo dục khiến cháu B. phải học trường khác; đồng thời yêu cầu nhà trường bồi thường tổn thất tinh thần cho nguyên đơn và cháu B; buộc bị đơn xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại phiên tòa sáng ngày 3/6, nguyên đơn thay đổi nội dung yêu cầu bồi thường 299 thành bồi thường số tiền chênh lệch học phí do hành vi ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục. Ông Tuấn cho rằng, việc nhà trường đơn phương ra thông báo chấm dứt cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu B. là rất thiếu thiện chí và mang tính áp đặt, trong khi đây là một thỏa thuận dân sự.
Ông Tuấn trình bày tại tòa, bản thân ông vẫn muốn cho con mình được tiếp tục học tại đây nên mới cần làm rõ khoản phí đặt cọc chứ không phải đồng ý chấm dứt hợp đồng với phía bị đơn. Chính vì vậy ông đã không đồng ý ký vào đơn xin rút tiền mà nhà trường đưa ra.
Ngay sau khi nhận thông báo ngừng việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu B., ông Tuấn hoàn toàn bất ngờ về cách hành xử này và ngay lập tức phải xin cho con sang học một ngôi trường khác. Ông Tuấn cảm thấy bị đối xử không công bằng, bị coi thường, mất thời gian chạy kiếm chỗ cho con học, đồng thời tốn thêm một khoản tài chính so với số tiền mà ông đã bỏ ra trước đây. Cháu B. con ông Tuấn thì bị sốc khi phải đột ngột chuyển trường mới...
Về phía bị đơn, đại diện nhà trường cho rằng, khoản phí 8 triệu đồng bắt buộc là tiền để đảm bảo nghĩa vụ tài chính phát sinh, đề phòng trong quá trình học tập, học sinh làm hư hỏng trang thiết bị của nhà trường và số tiền này sẽ hoàn trả cho phụ huynh khi kết thúc hợp đồng.
Sau khi nghe các bên trình bày, qua xem xét toàn bộ tài liệu có tại hồ sơ, HĐXX thấy rằng việc ký văn bản về cung cấp dịch vụ giáo dục giữa ông Tuấn và Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (chi nhánh Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam) đây là thỏa thuận dân sự do ý chí tự nguyện giữa ông Tuấn với trường.
Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (chi nhánh Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam).
Khi ký kết các điều khoản, điều này phù hợp với nội dung công văn ngày 17/7/2019, trước khi cháu B. nhập học, bà Phạm Anh Thư (mẹ cháu B.) đã ký cam kết chấp nhận các điều kiện nhập học và các khoản tiền mà phụ huynh phải chi trả cho việc học tập của con mình trong suốt quá trình học tập tại trường. Nhằm đảm bảo kịp thời chi trả các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình học của học sinh. Số tiền đặt cọc này sẽ được hoàn trả lại cho phụ huynh, sau khi học sinh thôi học tại trường, sau thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Đối với yêu cầu của ông Tuấn buộc yêu cầu Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam tiếp tục cung cấp dịch vụ giáo dục. Tuy nhiên, theo các văn bản bà Thư ký với Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam, thì Chi nhánh Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam đã gửi thông báo nhập học, ông Tuấn đã ký đơn không đồng ý.
Ông Tuấn gửi đơn tới các cơ quan chức năng thành phố để khiếu nại về số tiền đặt cọc nên việc ký kết các văn bản giữa gia đình ông Tuấn và Công ty cổ phần Kinder World Việt Nam chưa được thực hiện nên yêu cầu của ông Tuấn buộc Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam tiếp tục cung cấp dịch vụ giáo dục là không có căn cứ để xét nhận.
Bên cạnh đó, sau khi chấm dứt việc học của cháu B., Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam đã nhiều lần chuyển lại số tiền ông Tuấn đã nộp cho nhà trường nhưng ông Tuấn không chấp nhận và chuyển trả lại nên việc ông Tuấn yêu cầu Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam đòi lại tiền đặt cọc, bồi thường tiền tổn thất và buộc công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng là không cơ sở để xác nhận.
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên bác đơn khởi kiện yêu cầu tiếp tục cung ứng dịch vụ, đòi lại tiền cọc và yêu cầu bồi thường tiền thiệt hại hợp đồng của ông Nguyễn Văn Tuấn với Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam.