Ba nạn nhân mất 24 tỷ đồng từ cuộc điện thoại giả danh cán bộ công an

Phúc Thái| 27/11/2020 15:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng một thủ đoạn, đối tượng gọi điện giả danh cán bộ công an đang điều tra vụ án về ma túy, rửa tiền và đề nghị nạn nhân chuyển tiền vào một số tài do chúng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đang điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao vừa xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, ngày 12/11/2020, bà H.T.H (SN 1963; trú tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị một đối tượng dùng số điện thoại +881692196422 giả danh Cán bộ Công an TP.Hà Nội thông báo bà H. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, có lệnh bắt khẩn cấp và yêu cầu bà H. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để xác minh nguồn gốc.

Do lo sợ nên bà H. đã chuyển số tiền 3 tỷ 865 triệu đồng theo yêu cầu của đối tượng.

Cũng với cách thức tương tự, ngày 17/11/2020, bà N.T.L.H (SN 1959; trú tại TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị một đối tượng tự xưng cán bộ Công an TP.Hà Nội thông báo bà H. có liên quan đến tội phạm rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy, có lệnh bắt và yêu cầu bà H chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để xác minh nguồn gốc.
Quá sợ hãi, bà H đã chuyển số tiền 12.901.900.000 theo yêu cầu vào tài khoản do đối tượng chỉ định.

lua_dao-qua_dien_thoai.jpg
Mặc dù liên tục được cảnh báo nhưng vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy đối tượng lừa đảo qua điện thoại

Cùng ngày, ông H.S (SN 1958, trú tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được một đối tượng tự xưng tên N.T.T, cấp bậc Đại úy đang công tác ở Công an TP.Hà Nội gọi điện thoại đe dọa bắt ông S. với lý do ông S. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu ông S chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng T. cung cấp để xác minh nguồn gốc tài sản.

Để nạn nhân tin tuyệt đối, đối tượng giả danh còn gửi các "quyết định bắt giữ bị can" cho ông S xem rồi xóa ngay. Sau đó, đối tượng hướng dẫn ông S. ra các ngân hàng để chuyển tiền.

Theo điều tra, từ ngày 17 – 20/11/2020, ông S. đã chuyển tổng cộng số tiền 7 tỷ 370 triệu đồng cho 3 tài khoản khác nhau do đối tượng tự xưng Đại úy Công an hướng dẫn.

Đến sáng ngày 23/11/2020, đối tượng tiếp tục yêu cầu ông S. chuyển vào tài khoản 10 triệu đồng. Tuy nhiên lúc này, ông S. biết mình bị lừa nên đã trình báo cơ quan công an. Ngay sau đó đối tượng đã khóa số điện thoại và tài khoản zalo.

Đây là thủ đoạn lừa đảo sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội với hình thức tinh vi. Tuy đã được lực lượng chức năng cảnh báo, tuyên truyền liên tục về thủ đoạn này của các đối tượng tội phạm song tình hình vẫn không giảm.

Theo cơ quan công an, số bị hại bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức mạo danh, giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp rất đa dạng, đa phần thường là phụ nữ và người già trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có trường hợp các bị hại là cán bộ của các cơ quan Nhà nước... Đây đều là những bị hại ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Theo Bộ Công an, Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba nạn nhân mất 24 tỷ đồng từ cuộc điện thoại giả danh cán bộ công an