Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình...
Kết thúc Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, ngày 24/4, ASEAN đã đưa ra Tuyên bố Chủ tịch.
Theo Tuyên bố Chủ tịch, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết hỗ trợ hiện thực hóa kịp thời các Mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) của Chủ tịch ASEAN 2021 Brunei theo trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với chiến lược phục hồi, số hóa và bền vững; đánh giá cao các nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hơn nữa trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và các chương trình nghị sự của các cơ quan ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng nhằm đảm bảo ASEAN được điều phối, phục hồi và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Liên quan đến đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo ASEAN nhắc lại cam kết thực hiện kịp thời Kế hoạch triển khai Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN, đồng thời hoan nghênh quyết định sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 để mua vaccine cho người dân ASEAN càng sớm càng tốt.
ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh việc hoàn tất Khung thỏa thuận về Hành lang du lịch ASEAN (ATCAF), sớm vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khu vực cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và nhanh chóng thành lập Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp và các bệnh mới nổi.
Về tình hình Myanmar, Tuyên bố Chủ tịch bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo về số người thiệt mạng và tình trạng bạo lực leo thang. Nhấn mạnh rằng sự ổn định chính trị tại các quốc gia thành viên là điều cần thiết nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng, các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận vai trò tích cực và mang tính xây dựng của tổ chức này trong việc tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình vì lợi ích và sinh kế của người dân Myanmar.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm AHA.
ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực không ngừng của Myanmar trong việc giải quyết tình hình ở bang Rakhine, trong đó có việc bắt đầu quá trình hồi hương tự nguyện, an toàn theo các thỏa thuận song phương của nước này với Bangladesh.
Về quan hệ đối ngoại, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí chỉ đạo các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sớm tổ chức các cuộc họp tiến tới nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; chấp nhận kết nạp Anh làm đối tác đối thoại của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 54.