Tin địa phương

An Giang: Điểm sáng kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Minh Sáng 03/01/2025 - 15:04

Năm 2024, tỉnh An Giang với các chính sách quản lý và điều hành hiệu quả, cùng sự đồng thuận của các cấp chính quyền và nhân dân, An Giang đã vượt qua nhiều thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt 7,16%, vượt qua con số 6,14% của năm 2023, một thành tích đáng tự hào. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,67%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng vượt bậc ở mức 12,73%, còn khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 8,34%.

Quy mô kinh tế của An Giang đạt 126.771 tỷ đồng, đưa tỉnh xếp thứ 5 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 38 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 66,28 triệu đồng, phản ánh sự cải thiện đáng kể trong mức sống của người dân.

a1-mot-goc-thanh-pho-long-xuyen-tinh-an-giang.jpg
Một góc TP Long Xuyên – tỉnh An Giang

Ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục là trụ cột kinh tế, duy trì sự ổn định và tăng trưởng nhờ những chính sách phát triển bền vững. Tổng sản lượng lúa năm 2024 đạt hơn 4 triệu tấn, tăng nhẹ 0,09% so với năm 2023.

Điều này đạt được nhờ việc mở rộng diện tích gieo trồng và áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng mạnh lên 704.300 tấn, tăng 7,14% so với năm trước. Đặc biệt, sản lượng cá tra – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh – đạt 629.000 tấn, mang lại lợi nhuận cao nhờ giá bán ổn định trên thị trường quốc tế.

Ngành công nghiệp của tỉnh An Giang đã có một năm tăng trưởng vượt bậc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,42% so với năm trước, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo với mức tăng 11,84%. Các ngành hàng may mặc và da giày tiếp tục là điểm sáng nhờ lượng đơn hàng xuất khẩu dồi dào từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành may mặc đạt 216,7 triệu USD, tăng 21,7% so với năm 2023, trong khi ngành giày dép đạt 215,9 triệu USD, tăng 12,51%. Ngoài ra, sản lượng xay xát gạo, điện mặt trời, và thủy sản chế biến cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh khởi sắc mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt 228.275 tỷ đồng, tăng 15,31% so với năm trước. Ngành du lịch của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với khoảng 9,1 triệu lượt khách, tăng 7,06% so với năm trước, nhờ tổ chức nhiều sự kiện quảng bá và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới. Các điểm đến tâm linh, du lịch sinh thái và văn hóa độc đáo của An Giang vẫn là những điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Hạ tầng giao thông và xây dựng cơ bản cũng ghi nhận những bước tiến quan trọng trong năm 2024. Các công trình trọng điểm như cầu Châu Đốc và đường tránh TP Long Xuyên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, không chỉ giảm tải giao thông mà còn tạo động lực phát triển kinh tế và mở rộng đô thị.

Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 21.695,7 tỷ đồng, tăng 12,54% so với năm trước. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 49,77%, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn và tạo nền tảng cho các ngành kinh tế khác phát triển.

Hoạt động xuất nhập khẩu của An Giang tiếp tục phát huy vai trò là động lực tăng trưởng của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,457 tỷ USD, tăng 5,62% so với năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, gạo, rau quả đông lạnh, hàng may mặc và giày dép đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, mặt hàng rau quả đông lạnh tăng trưởng mạnh cả về lượng lẫn giá trị với kim ngạch đạt 74,1 triệu USD, tăng 19,25%.

Cùng với phát triển kinh tế, An Giang đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống dân cư và đẩy mạnh công tác an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh tiếp tục giảm, đạt mức 2,94%, nhờ các chương trình hỗ trợ sinh kế, tín dụng ưu đãi và đào tạo nghề cho người dân vùng khó khăn. Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu cũng được triển khai kịp thời, giúp ổn định cuộc sống và tạo động lực phát triển cho người dân.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đẩy mạnh với việc nâng cấp cơ sở y tế, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế, đưa tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế lên 93,7%. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, và thể thao cũng được tổ chức thường xuyên, tạo không khí sôi động và nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng.

Với những kết quả đạt được trong năm 2024, An Giang không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn cải thiện đáng kể chất lượng sống của người dân. Những thành tựu này là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong các năm tới, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Điểm sáng kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long