Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) vừa công bố quy định mới cho phép các ngân hàng ngoại tăng cường sự hiện diện của mình tại nước này.
Theo đó, các ngân hàng ngoại sẽ được phép thành lập chi nhánh 100% vốn ở bất kỳ nơi nào tại Ấn Độ và mỗi chi nhánh phải có vốn tối thiểu là 5 tỷ rupi (tương đương 80 triệu USD).
Sự thay đổi này là một trong những nỗ lực của Thống đốc mới nhận chức Raghuram Rajan trong việc tự do hóa lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Các ngân hàng ngoại muốn gia tăng sự hiện diện của mình tại đất nước có hơn 1.2 tỷ dân này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cho tới nay các ngân hàng này vẫn phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt, đặc biệt là về số lượng chi nhánh có thể mở.
RBI cho biết quy định mới sẽ cho phép các ngân hàng ngoại nâng số lượng chi nhánh lên bằng với các ngân hàng trong nước.
Dù vậy, các ngân hàng nước ngoài cần phải nhận đồng ý trước khi mở chi nhánh tại các vị trí nhạy cảm đối với triển vọng an ninh quốc gia.
RBI cho biết cũng sẽ xem xét ban hành các quy định về sáp nhập, cho phép các công ty nước ngoài sở hữu tới 74% một ngân hàng trong nước.
Tuy nhiên, RBI chỉ đưa ra quyết định như vậy sau khi đã xem xét mức độ thâm nhập của các khoản đầu tư ngoại tại các ngân hàng Ấn Độ và chức năng của các ngân hàng ngoại.
Phước Phạm (Theo BBC)