Virus Nipah có thể gây tử vong đã được phát hiện thấy ở 11 người tại bang Kerala, Ấn Độ. Các bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định, CBS News đưa tin.
Dẫn lời Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Veena George, CBS News cho biết, các nhà chức trách ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ đang nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát mới của virus Nipah.
Trước đó, giới chức Ấn Độ cho biết nước này từng có bốn đợt bùng phát bệnh dịch nói trên - vào năm 2001 và 2007 ở Tây Bengal, vào năm 2018 và 2019 - ở Kerala.
Mới đây khi chính quyền bang Kerala thông báo về trường hợp một cậu bé 12 tuổi tử vong vì nhiễm virus Nipah, các bác sĩ của bang này ngay lập tức kiểm tra 251 người có tiếp xúc với cậu bé.
Theo lời Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, bà Veena George, có 38 người đã được đưa đi cách ly tại trường Cao đẳng Y và Bệnh viện Kozhikode, trong đó có 11 người xuất hiện các triệu chứng bệnh.
“Mẫu bệnh phẩm của 8 người đã được gửi đến Viện Virus học quốc gia để xét nghiệm”, bà George nói với NDTV và cho biết thêm rằng tình trạng sức khỏe của tất cả những người nhập viện đều ổn định.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế Ấn Độ khuyến nghị tăng cường giám sát dịch tễ học và tập trung truy vết những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân. Các biện pháp an ninh tăng cường đã được áp dụng, đặc biệt là ở Kozhikode, nơi phát hiện trường hợp cậu bé nhiễm bệnh, và ở ba vùng lân cận.
Nipah là một loại virus lây truyền từ động vậy sang người, lây lan qua một số loài dơi ăn quả như dơi quạ. Chúng có thể truyền virus cho các động vật khác như lợn, chó, mèo, dê, ngựa và cừu.
Loại virus này thường được truyền sang những người đã ăn trái cây dính nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh. Người bệnh bị nhiễm virus khi tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm virus. Tuy vậy, nhiều trường hợp virus Nipah lây từ người sang người cũng đã được ghi nhận.
Người nhiễm virus Nipah thường có các triệu chứng như sốt và đau đầu trong khoảng từ 3 ngày đến 2 tuần. Sau đó, bệnh nhân có thể bị ho, đau họng và gặp các vấn đề về hô hấp.
Bệnh tình diễn tiến nhanh có thể làm bệnh nhân bị phù não, gây buồn ngủ, lú lẫn, sau đó có thể hôn mê và tử vong. Hiện vẫn chưa có thuốc chữa hay vaccine cho virus Nipah.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi Nipah là một trong những virus nguy hiểm nhất thế giới, hiện chưa có thuốc chữa hoặc vaccine phòng ngừa, tỷ lệ tử vong của người nhiễm bệnh dao động từ 40% đến 75%.