Ai Cập: Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh

Trâm Anh (theo AFP)| 22/09/2019 17:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lực lượng an ninh Ai Cập đã đụng độ với hàng trăm người biểu tình chống chính phủ tại thành phố cảng Suez hôm thứ Bảy. Cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn thật.

Ai Cập: Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh

Biểu tình cực kỳ hiếm có ở Ai Cập sau khi chính phủ có điều luật cấm các cuộc biểu tình sau vụ lật đổ quân sự năm 2013 của cựu tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi

Một tình trạng kiểm soát an ninh chặt chẽ cũng được duy trì tại Quảng trường Tahrir của Cairo, nơi từng là tâm điểm của cuộc cách mạng năm 2011 của Ai Cập, sau khi diễn ra các cuộc biểu tình ở một số thành phố kêu gọi cách chức tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.

Những cuộc biểu tình như vậy rất hiếm khi diễn ra do Ai Cập cấm các cuộc biểu tình theo một đạo luật được thông qua sau vụ lật đổ quân sự năm 2013 của cựu tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi. Nhưng sự bất mãn về giá cả đã tăng lên ở Ai Cập, nơi chính phủ của Sisi áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt kể từ năm 2016 như một phần của gói vay 12 tỷ đô la từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Gần một phần ba người Ai Cập sống dưới mức nghèo khổ (dưới 1,40 đô la một ngày), theo số liệu chính thức vừa được công bố vào tháng Bảy.

Những người biểu tình đã đến trung tâm thành phố Suez hai đêm liên tiếp, nơi lực lượng an ninh đã dựng rào chắn trên đường phố và xe bọc thép.

"Có khoảng 200 cảnh sát, họ đã bắn hơi cay, cao su và đạn thật và đã có người bị thương", một người đàn ông tham gia biểu tình nói với AFP.

Một cư dân khác cho biết hơi cay quá dày, nó đã bay đến khu chung cư của cô cách khu vực trung tâm thành phố hỗn loạn vài km. "Mũi tôi bắt đầu cay xè. Hơi cay bay vào nhà qua ban công. Tôi cũng thấy một số thanh niên chạy trốn trên đường phố", người phụ nữ nói.

Vào cuối ngày thứ Sáu, hàng trăm người Ai Cập đã đổ ra đường phố Cairo, hô vang các khẩu hiệu bao gồm "Hãy từ chức, Sisi!" và kêu gọi thay đổi cả chế độ.

Ít nhất 74 người đã bị bắt sau cuộc đụng độ giữa đám đông và cảnh sát ở thủ đô, một nguồn tin an ninh nói với AFP.

Ai Cập: Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh

Các cuộc biểu tình đã diễn ra sau khi Mohamed Aly, một doanh nhân Ai Cập lưu vong, lên mạng xã hội kêu gọi một cuộc biểu tình để Sisi bị lật đổ

Các cuộc biểu tình được thực hiện sau khi Mohamed Aly, một doanh nhân lưu vong và là đối thủ của Sisi đăng các cuộc gọi lên mạng để biểu tình chống lại Sisi. Ông đã tăng áp lực vào thứ Bảy trong một video với nội dung kêu gọi người Ai Cập tham gia một "cuộc diễu hành triệu người" vào thứ Sáu tới để tụ tập lấp kín các "quảng trường lớn" của đất nước.

"Đây là một cuộc cách mạng của tất cả mọi người... Chúng tôi phải liên kết với nhau như một và cùng nhau đi xuống các quảng trường lớn", ông nói trong một lời kêu gọi trên Facebook với những người theo dõi mình.

Nhà thầu xây dựng đã đăng tải các video đã lan truyền từ đầu tháng 9, cáo buộc Sisi và quân đội tham nhũng tràn lan.

Tổng thống đã bác bỏ các cáo buộc tham nhũng vào tuần trước. Ông nói rằng mình luôn "trung thực và trung thành" với người dân và quân đội.

Nhưng vào ngày thứ Sáu, những người biểu tình đã xuống đường ở Cairo sau trận đấu bóng đá bán vé giá cao giữa các câu lạc bộ bóng Al Ahly và Zamalek.

Nael Shama, nhà phân tích chính trị tại Cairo, nói: "Tôi nghĩ rằng những sự kiện trong vài tuần qua, bao gồm cả cuộc biểu tình tối qua, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất đối với Sisi". "Không ai hét bánh mì, tự do, công bằng xã hội như các cuộc biểu tình diễn ra năm 2011, họ hô ngay khẩu hiệu “Hãy từ chức” ngay từ phút đầu tiên," Shama lưu ý.

Ai Cập: Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh

Người biểu tình Ai Cập ở quảng trường Tahrir tụ tập qua đêm, giơ cao khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Sisi từ chức

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, hàng ngàn đoạn video chia sẻ về các cuộc biểu tình hôm thứ Sáu, xuất hiện ở một số thành phố, bao gồm những đám đông đáng kinh ngạc đang chặn giao thông ở Alexandria, Al-Mahalla, Damietta, Mansoura và Suez.

"Đây là lần đầu tiên mọi người xuống đường trong nhiều năm nhưng tôi không chắc đây sẽ là lần cuối cùng", Shama nói thêm.

Dưới sự cai trị của Sisi, chính quyền đã phát động một cuộc đàn áp rộng rãi đối với những người bất đồng chính kiến, bỏ tù hàng ngàn người Hồi giáo cũng như các nhà hoạt động tự do và các blogger nổi tiếng.

Sisi đã thường xuyên nói rằng an ninh và ổn định là đặc trưng thời kỳ của ông, trái ngược với các điểm nóng trong khu vực như Libya và Syria.

Cơ quan kiểm định truyền thông nước ngoài của chính phủ đã đưa ra một tuyên bố vào cuối ngày thứ Bảy cảnh báo các nhà báo quốc tế rằng báo cáo của họ về các sự kiện "không nên được phóng đại", mà không đề cập rõ ràng về các cuộc biểu tình.

Trên truyền hình tối thứ sáu, người dẫn chương trình Amr Adib – người ủng hộ Sisi - đã chửi doanh nhân Mohamed Aly. Cảnh quay của anh ta bị cáo buộc là thực hiện trong một cơn say. Adib kêu gọi những người đồng hương của mình hãy "chăm sóc đất nước, bởi vì Tổ chức Anh em Hồi giáo đang muốn đánh sập nó".

Tổ chức Anh em Hồi giáo, từng được coi là một trong những lực lượng chính trị có tổ chức nhất của Ai Cập, đã bị cấm hoạt động và bị coi như một nhóm khủng bố vào năm 2013 sau khi Morsi lật đổ.

Tổng thống Sisi đang ở New York, nơi ông dự kiến sẽ phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới. Văn phòng của ông không bình luận về các cuộc biểu tình, khi được AFP hỏi vào thứ Bảy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai Cập: Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh