Agribank với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Toàn - Kiên| 19/04/2021 11:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tỷ trọng dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank luôn chiếm xấp xỉ 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Đây là cơ sở vững chắc để Agribank quyết tâm hiện thực hóa, triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Kiên định đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn

Hiện nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới đã xây dựng và triển khai thực hiện các Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Còn tại Việt Nam, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, đồng thời có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngay từ khi mới bắt đầu thành lập (26/3/1988) đến nay, Agribank là Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam trên mọi phương diện. Được biết, trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank vượt lên dẫn đầu về cho vay hộ sản xuất và cá nhân với tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này đạt trung bình 12-13%/năm. Đồng thời, tăng dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục đích hỗ trợ các loại hình kinh tế này phát huy vai trò chính trong việc tạo ra lượng hàng hóa lớn để phục vụ xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

anh-agri-19.jpg
"Cầu nối" Agribank góp phần hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Trong thành tựu của 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), nguồn vốn cho vay của Agribank với vai trò là nguồn lực quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên khắp địa bàn cả nước. Đã tạo được bước chuyển và phát triển rõ nét cho diện mạo nông thôn Việt Nam khi đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ở nhiều vùng quê được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 43 triệu đồng/người năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) và đến nay chỉ còn 4,2%... (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Cùng với thực hiện cho vay theo chủ trương của Chính phủ, để tạo thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng, Agribank còn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đồng thời, xây dựng và ban hành nhiều gói tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng chính sách với lãi suất cho vay ngắn hạn thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong hoạt động tín dụng, nhất là khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (dịch bệnh Covid-19, lũ lụt khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả lợn châu Phi,…).

Song song với đó là đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay, kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội, đến 31/12/2020, Agribank đã triển khai trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,4 triệu thành viên. Triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 14.500 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,2 triệu khách hàng tại địa bàn 400 xã trên toàn quốc; triển khai Đề án Thẻ “Tam nông” tại 104/108 chi nhánh tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn với 212.262 thẻ phát hành và lắp đặt mới trên 1.732 điểm POS, hạn mức thấu chi đã cấp là hơn 1.600 tỷ đồng, dư nợ thấu chi tài khoản đăng ký phát hành thẻ đạt gần 500 tỉ đồng.

Chương trình tín dụng tiêu dùng sau gần 2 năm triển khai, doanh số cho vay đã vượt xa quy mô ban đầu, đạt gần 22.000 tỷ đồng với 230.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết,… tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, hạn chế nạn tín dụng đen và đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Nỗ lực giáo dục kiến thức tài chính cộng đồng

Hiện thực hóa chiến lược bằng những hành động cụ thể, trong thời gian qua, Agribank đã cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc phổ cập, giáo dục kiến thức tài chính cộng đồng. Trong đó, đối tượng học sinh phổ thông được tham gia các chương trình truyền hình thực tế, gameshow truyền hình về tài chính – ngân hàng dành cho công chúng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện. Việc này đã góp phần đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính cộng đồng, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với mọi người dân.

Gần đây nhất, theo Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cải thiện và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất. Trên thực tế, với sự nỗ lực hiện đại hóa hệ thống thanh toán nông thôn, Agribank đang thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng và góp phần quan trọng vào tiến trình hiện thực hóa chiến lược tài chính quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Agribank năm 2021 khẳng định: “Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Agribank đã được chú trọng, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán theo chủ trương của Chính phủ”.

Đây là cơ sở vững chắc để Agribank quyết tâm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp hiện thực hóa, triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là khi Việt Nam vẫn còn tỷ lệ lớn người dân vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia