Agribank tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nông thôn

Hoàng Anh| 25/11/2015 19:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hoạt động tín dụng những tháng cuối năm của Agribank đang trên đà tăng tốc với quyết tâm về đích đúng kế hoạch đề ra, thể hiện sự khởi sắc trong bức tranh tín dụng năm 2015 của ngành Ngân hàng.

Agribank tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nông thôn

Phó Tổng Giám đốc Agribank (PTGĐ) - bà Nguyễn Thị Phượng đã chia sẻ với phóng viên một số ý kiến về lĩnh vực kinh doanh

Bà có thể cho biết, tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của Agribank đã đạt được bao nhiêu %? Agribank có phải xin nới thêm room tín dụng để tăng trưởng? Dự tính đến hết năm 2015, mức tăng trưởng tín dụng của Agribank sẽ đạt bao nhiêu %?

PTGĐ Nguyễn Thị Phượng: Đến ngày 23/11/2015, tổng dư nợ tín dụng của Agribank đã tăng trưởng 12,1% so với cuối năm 2014. Theo kế hoạch, trong năm 2015, Agribank tập trung chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và điều hành tăng trưởng dư nợ phù hợp với cân đối vốn. Dự kiến đến cuối năm 2015, tăng trưởng tín dụng của Agribank sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra (11-13%).

Những lĩnh vực nào thu hút tăng trưởng tín dụng của Agribank trong năm nay?

PTGĐ Nguyễn Thị Phượng: Tín dụng Agribank tăng trưởng mạnh từ nửa cuối năm 2015, tập trung vào nhóm khách hàng hộ sản xuất và cá nhân; các lĩnh vực kinh tế thu hút tăng trưởng tín dụng mạnh là cho vay chăn nuôi, trồng trọt; cho vay đáp ứng nhu cầu đời sống; cho vay thu mua, chế biến xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm…

Agribank tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các lĩnh vực ưu tiên khác. Tính đến nay, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đã chiếm tỷ trọng 73% tổng dư nợ, đạt 487.453 tỷ đồng.

Bên cạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã và đang triển khai có hiệu quả chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, cho vay tái canh cà phê tại các chi nhánh khu vực Tây Nguyên, cho vay tạm trữ lúa gạo, cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP...

Qua sự tăng trưởng tín dụng cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét của kinh tế, nhưng liệu lãi suất có biến động theo nhu cầu về vốn đang tăng cao? Và tỷ trọng giữa các kỳ hạn (vốn lưu động, trung và dài hạn) mà Agribank cho vay cụ thể là như thế nào?

PTGĐ Nguyễn Thị Phượng: Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, ngay từ đầu năm 2015, Agribank đã triển khai các biện pháp để tăng cường huy động vốn đồng thời thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nguồn vốn huy động của Agribank tăng trưởng ổn định, đến thời điểm hiện tại, tăng 11,3% so với đầu năm, lãi suất huy động bình quân giảm gần 0,5% so với 31/12/2014, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,61% so với đầu năm. Cơ cấu tín dụng của Agribank cũng được duy trì hợp lý, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 37,3%/tổng dư nợ tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển của khách hàng.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của Agribank, bà con nông dân cũng rất mong muốn có thể được vay với thời hạn dài hơn (trung và dài hạn). Vậy, Agribank có ưu tiên nguồn vốn này để các hộ nông dân, chủ trang trại vay được nguồn vốn với thời hạn dài và lãi suất thấp?

PTGĐ Nguyễn Thị Phượng: Hiện tại, dư nợ cho vay trung, dài hạn của Agribank chiếm dưới 40% tổng dư nợ, do vậy, trong thời gian tới, Agribank tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, đồng thời tăng tỷ trọng cho vay trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu hợp lý cho nông nghiệp, nông thôn và các thành phần kinh tế.

Như vậy, có thể thấy mặt bằng lãi suất cho vay của Agribank hết năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 có sự dịch chuyển gì không?

PTGĐ Nguyễn Thị Phượng: Theo dự kiến, lãi suất cho vay của Agribank sẽ không có điều chỉnh tăng, thậm chí có thể điều chỉnh giảm tùy thuộc vào tình hình thị trường. Đồng thời, Agribank sẽ tiếp tục có những gói tín dụng để hỗ trợ, kích cầu đối với những lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể hiện nay, Agribank đang triển khai một gói cho vay ưu đãi với quy mô 30 ngàn tỷ, lãi suất cho vay tối đa 5,5%/năm. Chương trình được áp dụng với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng hoặc có nhu cầu vay vốn tại Agribank; trong đó, ưu tiên đối với khách hàng truyền thống và doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết.

Theo bà, nếu so với mặt bằng chung thì mức lãi suất này của Agribank ở mức độ như thế nào?

PTGĐ Nguyễn Thị Phượng: Đây là mức lãi suất rất ưu đãi trong chính sách lãi suất của Agribank, nếu so với mặt bằng lãi suất trên thị trường ở thời điểm cuối năm mà thông thường lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng cao thì chúng tôi tin rằng, gói tín dụng này sẽ nhận được sự quan tâm và thu hút được nhiều khách hàng tham gia.

Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nông thôn