Nhiều doanh nghiệp sữa Việt đồng loạt gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, phản đối cách làm của lực lượng hải quan.
Cụ thể, Công ty CP sữa Vinamilk cùng với Công ty CP Đại Tân Việt, FrieslandCampina Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), Công ty cổ phần Hóa chất Á Châu, Công ty CP Thế hệ mới, Công ty CP Sữa Hà Nội và Công ty CP TM và Công nghệ Thực phẩm Hoàng Lâm cùng kiến nghị về việc hải quan áp dụng mã số không có căn cứ với mặt hàng Anhydrous milk fat. Đơn thư của các doanh nghiệp này nêu rõ: “Việc thực thi pháp luật không nhất quán, không đúng quy định pháp luật của cơ quan Hải quan đang thực hiện làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này được thực hiện sẽ gây những hệ lụy nghiêm trọng, và có khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý”.
Dây chuyền đóng góp sản phẩm sữa tại nhà Vinamilk.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, từ năm 2000 đến nay, doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous milkfat (AMF) hoặc cách gọi khác là Anhydrous butter fat dùng để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đây là mặt hàng do tập đoàn Fontera của Newzeland sản xuất, đóng gói 210kg/thùng. Theo tài liệu Quy chuẩn Codex (CODEX STAN 280-1973) của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam (QCVN 5-4:2010/BTY), Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN 8434:2010) thì tên gọi Anhydrous MilkFat hay Anhydrous Butterfat là như nhau, sản phẩm này chính là dầu bơ khan hay gọi cách khác là chất béo khan của bơ hay cách gọi khác là chất béo khan từ sữa.
Do đó, theo các doanh nghiệp, tên hàng tiếng Anh của nhà sản xuất Anhydrous Milk Fat chỉ là tên thương mại, với mục đích chỉ rõ đây là một sản phẩm chất béo có nguồn gốc từ sữa, ở dạng khan (sau khi đã được tách nước).
Khi khai báo trên tờ khai hải quan nhập khẩu, căn cứ vào bản chất, đặc điểm cấu tạo, công dụng, tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất, phân loại mặt hàng của nước xuất khẩu, đối chiếu với tài liệu các tài liệu quy chuẩn, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo tên hàng tiếng Việt là: Dầu bơ tinh chế từ sữa/dầu bơ có nguồn gốc từ sữa/dầu bơ khan/chất béo khan của bơ/dầu bơ/chất béo sữa đã tách nước…; mã số là 0405.90.10.00 (mã 10 số), và 0405.90.10 (mã 8 số).
Từ năm 2000, tất cả các Công ty nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất như: Vinamilk, Công ty CP Sữa Hà Nội, Nutifood, Công ty TNHH các sản phẩm sữa quốc tế, FrieslandCampina Việt Nam; Các Công ty thương mại nhập khẩu để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất sữa và thực phẩm như: Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu, Công ty Cổ phần Thế Hệ Mới, Công ty CP TM và Công nghệ Thực phẩm Hoàng Lâm, Công ty TNHH Thanh An, Công ty TNHH SX TM DV Thanh Bình, Công ty TNHH TM DV Đakao, Công ty TNHH Thới Vương, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm S.K, Công ty Cổ phần Đại Tân Việt… ngoài việc khai báo của doanh nghiệp, cơ quan Hải quan trên toàn quốc cũng đã lấy mẫu hàng hóa, gửi đi phân tích phân loại tại các Trung tâm phân tích trong ngành Hải quan và/ hoặc gửi đi phân tích tại các cơ quan chuyên môn ngoài ngành hải quan để xác định chính xác về bản chất, thành phần cấu tạo… từ đó các cơ quan Hải quan làm căn cứ xác định mã số hàng hóa từ nhiều năm nay. Tất cả các kết quả giám định, phân tích chứng nhận đều xác định mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số đúng là 0405.90.10.
Tuy nhiên, ngày 24/11/2014, Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK chi nhánh tại TP HCM có thông báo số 2926/TB-PTPL-HCM do ông Cao Xuân Quảng (chính là người ký hàng chục kết quả phân tích trước đây) ký thông báo kết quả phân tích đối với một mẫu hàng thuộc lô hàng Anhydrous MilkFat của Công ty TNHH Néstle Việt Nam nhập khẩu tại tờ khai 10008799954/A12 ngày 01/08/2014 tại Cục Hải quan Đồng Nai; trên cơ sở thông báo này, Tổng cục Hải quan có Thông báo số 14619/TB-TCHQ ngày 08/12/2014 Thông báo về kết quả phân loại đối với mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số 0405.90.90 (loại khác). Từ đó các Cục Hải quan địa phương mời các doanh nghiệp lên làm việc và yêu cầu điều chỉnh mã số theo Thông báo số 14619 nêu trên, đồng thời đề nghị truy thu thuế đối với tất cả các tờ khai nhập khẩu trước đây.
Đánh giá về việc làm này, các doanh nghiệp cho là cơ quan hải quan đã sử dụng một thông báo có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành (08/12/2014) để hồi tố truy thu các tờ khai nhập khẩu lịch sử? “Chúng tôi không đồng ý với kết quả phân tích phân loại bất nhất này và việc truy thu thuế mang tính áp đặt là hoàn toàn không có căn cứ. Khi đó, chúng tôi đã lập tức đưa ra các cơ sở nên cơ quan hải quan đã đồng ý dừng lại mọi việc này”, đơn thư của các doanh nghiệp nêu rõ.
Cũng theo đơn kiến nghị thì để thẩm định lại chính xác một lần nữa kết quả phân tích phân loại, cơ quan hải quan lấy mẫu để tiến hành thực hiện phân tích, trên cơ sở phân tích của một lô hàng giống hệt do Công ty cổ phần Đại Tân Việt nhập khẩu tại tờ khai số 10033831862/A11 ngày 23/03/2015 mở tại Hải Phòng, Tổng cục Hải quan có một Thông báo số 7548/TB-TCHQ ngày 18/8/2015, xác định mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số đúng là 0405.90.10.
Ngày 20/4/2015 thì cơ quan Hải quan lại tiếp tục lấy mẫu để phân tích tiếp 1 lô hàng giống hệt nhập khẩu tại tờ khai số 10036328854/A11 ngày 13/4/2015 mở tại Hải Phòng của Công ty cổ phần Đại Tân Việt, kết quả phân tích một lần nữa vẫn xác định mã số phân loại là 0405.90.10.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, Tổng cục Hải quan lại ra những văn bản chỉ đạo mang tính cá biệt để chỉ đạo các cục Hải quan địa phương sử dụng mã số thuế 040590.90 thay vì sử dụng mã số đúng là 0405.90.10 và thực hiện truy thu thuế (nhập khẩu và VAT) từ năm 2010.
Hiện nay, các cục Hải quan địa phương đã và đang gửi văn bản thông báo nộp thuế đến các doanh nghiệp. Theo doanh nghiệp, việc áp dụng mã số thuế không đúng này của cơ quan Hải quan gây nên rất nhiều hệ lụy như: Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp với việc phải nộp bổ sung thuế một cách bất hợp: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do hàng hóa đã được đưa vào sản xuất kinh doanh từ nhiều năm trước; Vi phạm các cam kết của Chính phủ Việt Nam với các Hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia; Tăng giá thành sản phẩm đối với sản phẩm sữa, đặc biệt là các sản phẩm sữa trẻ em mà chính phủ đang kiểm soát giá, do đây là nguyên liệu sản xuất chính.
Với những lý do này, Vinamilk cùng các doanh nghiệp đề xuất kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính có ý kiến chỉ đạo để cơ quan Hải quan không ban hành các quyết định ấn định thuế và thu hồi các thông báo yêu cầu nộp bổ sung thuế đối với các doanh nghiệp liên quan đến mặt hàng nói trên.