8 điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 2/2021

Anh Tuấn| 02/03/2021 21:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù tháng 2, tình hình dịch covid-19 diễn ra phức tạp, thế nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 02/2021 vẫn duy trì tích cực với 08 điểm sáng.

Theo như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng năm 2021 mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 trong tháng 2 có những diễn biến phức tạp, trùng với dịp Tết Nguyên đán, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 02/2021 vẫn duy trì tích cực với 08 điểm sáng như sau:

kinh-te.png
Mặc dù tháng 2, tình hình dịch covid-19 diễn ra phức tạp, thế nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 02/2021 vẫn duy trì tích cực. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Đối với vấn đề kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định

Chỉ số giá tháng 02 tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 7,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo đạt 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%), có dấu hiệu trở lại mức tăng 2 con số như trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 5,49%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ tăng 5,4%); không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa phục vụ Tết, nhất là sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Thị trường tiền tệ, tín dụng trước, trong và sau Tết Nguyên đán ổn định

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thanh khoản các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân và các tổ chức kinh tế.

Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Đăng ký doanh nghiệp dù ảnh hưởng nghỉ Tết Nguyên đán nhưng tiếp tục chuyển biến tích cực

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt trên 8.000 doanh nghiệp, cao hơn so với mức trung bình khoảng 7.300 doanh nghiệp trong các tháng Tết của giai đoạn 2016- 2020.

Tháng 02 ghi nhận hơn 4.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi chỉ có gần 7.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 19,8% so với cùng kỳ.

Điều này phản ánh niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 02 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 1,29 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 23,2% và nhập khẩu tăng 25,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục tăng trưởng cao, như: điện thoại và linh kiện tăng 22,8%; điện tử, máy tính và linh kiện, tăng 27,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 72,6%; giày dép tăng 15,4%.

Giải ngân 23,48 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2021 đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Đạt 6,2% số vốn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án.

Đây là tỷ lệ giải ngân đáng ghi nhận trong bối cảnh năm đầu triển khai kế hoạch 5 năm 2021-2025, trùng thời gian kỳ nghỉ Tết và dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tiếp tục có chuyển biến tích cực

Chỉ số Thương mại điện tử Doanh nghiệp-đến-Khách hàng (B2C) của UNCTAD năm 2020 tiếp tục xếp Việt Nam nằm trong top 10 các nền kinh tế ở khu vực Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Trong tháng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức được khai trương, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về dân cư;

Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp hơn 2.800 dịch vụ công, 6.798 thủ tục hành chính, tích hợp thanh toán trực tuyến...tiết kiệm khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm.

Cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo

Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đạt 21,3% dự toán, tăng 0,6% và tổng chi NSNN 02 tháng đạt 12,3% dự toán. Chi ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách đón Tết cổ truyền.

Thực hiện tốt, an sinh xã hội được bảo đảm

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc người có công, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán được được quan tâm. Thực hiện tốt, an sinh xã hội được bảo đảm.

Đặc biệt, trong tháng 2 này tuy thực hiện các biện pháp giãn cách nhưng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo nhiều giải pháp đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học và an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học; phê duyệt sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đầy đủ các môn học để thực hiện theo lộ trình.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 2/2021