Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẹn mạn tính và ung thư.
Đó là thông tin được TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Kiểm soát chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á: Tiếp cận khu vực để nâng cao năng lực đáp ứng” ngày 19/11 với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách từ hơn 10 quốc gia.
Năm 2015, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 15 triệu trường hợp tử vong tại các quốc gia đang phát triển, tăng gần 3,8 triệu so với năm 2000. Đặc biệt, tác động của nhóm bệnh không lây nhiễm trên nhóm người trẻ cao hơn tại các nước có thu nhập thấp và trung bình so với các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn.
Ước tính cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, trong số 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay có tới gần 60% chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Trong tổng số hơn 3 triệu người bị đái tháo đường thì có gần 70% chưa được phát hiện bệnh và trên 70% chưa được quản lý điều trị thuốc.
Hội nghị quốc tế khu vực Châu Á về kiểm soát chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là điều trị ca bệnh, chưa chú trọng đầu tư cho hoạt động dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh nhân tại cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung giải quyết các bệnh không lây nhiễm theo hướng kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khám và phát hiện sớm, đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Bên cạnh đó, mặc dù nguy hiểm, nhưng các bệnh không lây nhiễm có thể được phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, sử dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tăng cường năng lực y tế, phát hiện sớm để quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh an toàn.
Điều tra của Bộ Y tế năm 2015, hơn 50% người trưởng thành ăn thiếu rau hoặc trái cây. Người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh.
“Do đó việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khoẻ người dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội thảo GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng nêu rõ, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình đô thị hoá, môi trường thực phẩm và thói quen ăn uống của cộng đồng đang có những thay đổi bất hợp lý.
Thực tế cho thấy, bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống đang gia tăng ở nhóm trẻ tuổi hơn, gây ra những gánh nặng kinh tế lâu dài cho xã hội. Thực phẩm, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng bao gồm thừa cân, béo phì là một trong các yếu tố, nguy cơ quan trọng nhất của bệnh không lây nhiễm.
"Đây là thời điểm không sớm nhưng cũng không quá muộn để suy nghĩ nghiêm túc và hành động nhanh chóng để cải thiện môi trường thực phẩm và hành vi lựa chọn thực phẩm, tiến tới kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống", GS Anh nhận định.