Đợt dịch sốt xuất huyết ở Philippines đã được tuyên bố là dịch bệnh quốc gia sau khi gây ra hàng trăm ca tử vong trong năm nay.
Theo thống kê của Bộ Y tế Philippines, từ tháng 1 đến ngày 20/7 năm nay đã có tới 146.062 trường hợp bị sốt xuất huyết tại quốc gia này; tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 622 người đã tử vong.
Đáng chú ý, trong số 17 khu vực trên toàn Philippines có 7 khu vực đã ghi nhận số ca nhiễm bệnh tăng mạnh tuần thứ 3 liên tiếp. Chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 14 - 20/7), số ca nhiễm bệnh trên toàn quốc là 10.502 trường hợp, tăng tới 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động thái tuyên bố dịch bệnh của chính phủ Philippines sẽ giúp chính quyền địa phương có thể huy động các nguồn quỹ trung ương khẩn cấp để tăng cường các biện pháp đối phó đối với dịch bệnh.
Bộ Y tế Philippines cho biết, hiện cơ quan này đang chung tay với chính quyền địa phương, các trường học, văn phòng và cả cộng đồng tiến hành các chiến dịch nhằm tìm kiếm và phá hủy các địa điểm sinh sản của muỗi, vốn là tác nhân chính gây ra dịch bệnh này.
Các bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết được điều trị tại một bệnh viện di động ở Iloilo, Philippines. Ảnh: EPA
Trong khi đó, vào năm 2016, Phippines đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng vắc xin phòng chống sốt xuất huyết Dengvaxia trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, những tranh cãi nổi lên sau khi hãng dược phẩm Sanofi công bố cuối năm ngoái rằng vắc xin này có thể gây ra các triệu chứng xấu hơn đối với những người chưa bị nhiễm virus sốt xuất huyết.
Thêm vào đó, hàng chục ca tử vong ở trẻ nhỏ trong số hơn 700.000 người được tiêm vắc xin này trong các năm 2016 và 2017 đã khiến chính phủ Philippines quyết định ngừng sử dụng loại vắc xin này.
Hiện chính phủ Philippines vẫn giữ quyết định cấm sử dụng vắc xin phòng chống sốt xuất huyết Dengvaxia.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các nước Đông Nam Á khác cũng chứng kiến sự gia tăng các ca sốt xuất huyết trong năm nay. Malaysia đã báo cáo 62.421 trường hợp cho đến ngày 29/6, bao gồm 93 trường hợp tử vong, so với 32.425 ca mắc bệnh, trong đó có 53 ca tử vong, cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam có 81.132 trường hợp nhiễm bệnh với 4 trường hợp tử vong được báo cáo, so với 26.201 ca nhiễm và 6 người tử vong trong năm 2018.